Thư ngày16.3.2010
Thân gửi các con của thầy ở Mai Thôn và ở các nơi khác
Sáng ngày mai thầy đi Ý và sẽ ở bên ấy hai tuần. Mùa xuân bên ấy chắc cũng đẹp không kém mùa xuân ở Pháp. Khi nào các con nghe chim “cúc cu” gọi lần đầu thì trả lời nó giúp thầy nhé. Cây ngọc lan ở Phương Khê sẽ nở trong vòng bảy hôm, các con nhớ ngắm cho thầy. Và biết bao nhiêu loài hoa, loài chim, loài bướm sẽ thi nhau xuất hiện. Thầy chúc các con thực tập hạnh phúc trong những ngày xuân, và nhận diện được tất cả những mầu nhiệm đang biểu hiện trong mùa xuân.
Trong khóa tu xuất sĩ vừa rồi mình đã cam kết với nhau là sẽ hoàn chỉnh công phu “thiền đi” và phải thực tập 100% chứ không ít hơn. Trong thời gian ở Ý thầy và phái đoàn sẽ làm việc đó, và ở nhà, cũng như ở các nơi khác, các con của thầy cũng sẽ làm việc đó. Thầy tin là đến ngày 9.4.2010 ngày khai giảng khóa tu tiếng Pháp, công phu của tăng thân về “thiền đi” sẽ đạt tới chỗ mình mong muốn. Đó là phẩm vật cúng dường lên Tam bảo và tổ tiên. Đó cũng sẽ là món quà mình tặng cho nhau và cho những người thương. Thầy chắc chắn là mình sẽ làm được.
Khi bước đi mình phải ý thức được sự tiếp xúc của bàn chân với mặt đất, và như thế lập tức mình có niệm và định. Có niệm và định thì lập tức tuệ có liền. Tuệ ở đây tối thiểu là cái ý thức mình đang có mặt và những nhiệm mầu của sự sống cũng đang có mặt cho mình, trong ta cũng như quanh ta. Cái tuệ ấy cũng đã là một cái tuệ rất đáng giá rồi. Nó đem lại niềm vui, nó đem lại hạnh phúc. Nó nuôi dưỡng, nó trị liệu. Chỉ trong ba bốn giây đồng hồ mà mình có thể chế tác ra được niệm, định và tuệ một cách dễ dàng. Trong giờ phút ấy Tam bảo đang có mặt trong ta, và đó cũng là một giây phút quy y, nghĩa là một giây phút quay về nương tựa. Nội dung tâm ý mình là ba thứ năng lượng ấy và niềm vui mà chúng đem tới. Vì lý do đó mà mình phải đầu tư 100% tâm ý vào bước chân, mà mình không suy tư cũng không nói chuyện. Cố nhiên là chúng ta có rất nhiều chuyện vui muốn nói cho nhau nghe, nhưng mỗi khi đi nếu ta không suy nghĩ và nói năng thì niệm, định và tuệ mới có thể phát sinh hùng hậu. Nếu cần nói thì ta dừng lại để nói và để nghe. Nói cho hết, nghe cho hết trước khi đi tiếp. Nhưng hễ bước đi là chúng ta phải nhiếp niệm và để hết tâm ý vào bước chân. Và nhớ đi cho cha, cho mẹ, cho Bụt, cho thầy và cho những người thương.
Nếu ta nghe nhạc, đọc báo, xem ti vi, coi phim, nói chuyện v.v… là để khỏa lấp khoảng trống trong lòng. Cái khoảng trống ấy, người ta phải biết đưa vào niệm, định tuệ và những đối tượng màu nhiệm của chúng. Giây phút mà niệm, định, tuệ có mặt là giây phút thánh thiện, nó làm cho mình đích thực là một người xuất gia, một vị mâu ni. Trong tâm mình có niềm biết ơn, có niềm vui, có sự nuôi dưỡng và trị liệu. Biết cách tạo ra pháp lạc rồi, thì mình không còn có nhu yếu đi tìm sách báo, ti vi, phim ảnh, chuyện trò hay internet để khỏa lấp “cái khoảng trống”nữa. Bởi vì “cái khoảng trống” nó đã đầy, nó không còn trống nữa. Mình chỉ lên Internet khi nào mình thật sự cần tài liệu cho sự tu học mà thôi. Đừng lên “để xem có gì mới lạ hay không”. Mình phải tự căn dặn mình như thế, mình phải phát nguyện như thế. Mình là một sư anh hay một sư chị, mình phải làm gương cho các em.
Các con thực tập thấy có gì hay thì viết thư chia sẻ với thầy nhé.
Thôi bây giờ thầy đi ngủ để ngày mai có sức mà lên đường.