Sống theo tinh thần lục hòa

Thể loại: Thư thầy

Sống theo tinh thần lục hòa

Thư ngày 10.02.2006

Phương Khê Nội Viện, Đạo Tràng Mai Thôn, Pháp Quốc
Ngày 10 tháng 02. 2006

Thương gởi học chúng tại Tổ đình Từ Hiếu,Mùa xuân đã đến tại quê hương, nhưng ở Âu châu còn phải đợi thêm gần một tháng nữa. Tôi trân trọng kính chúc các thầy, các sư chú, và các Phật tử cư sĩ của tổ đình một mùa xuân tươi vui và hạnh phúc.

Nhân tiện tôi xin nhắc lại vài điểm then chốt về nguyên tắc sinh hoạt và tu tập tại tổ đình:1. Thượng tọa Chí Mậu và tôi là hai người chịu trách nhiệm trực tiếp với chư Tổ để chăm lo và duy trì cơ sở và nếp sinh hoạt tu học của tổ đình. Tổ đình là một ngôi chùa cổ nhưng cũng là một tu viện và một  Phật học viện. Tôi tin chắc tổ đình sẽ thành công như một đạo tràng gương mẫu, bởi vì tôi và Thượng tọa Chí Mậu là hai anh em bất khả phân ly, cùng một sứ mạng và một chí hướng, với lại Thượng tọa đã được đắc pháp qua tôi, vì vậy không một âm mưu, hoặc đàm tiếu nào có thể chia rẽ hai chúng tôi được.

2. Tất cả các vị xuất gia, dù là đệ tử của ai, một khi đã được chấp nhận thường trú tại tổ đình đều được đối xử bình đẳng trên cương vị thân hòa đồng trú, ý hòa đồng giải và lợi hòa đồng quân.

3. Tất cả những quyết định về sinh hoạt học hỏi và tu tập đều do hội đồng tỳ kheo đưa ra trong buổi họp hằng tuần. Thượng tọa Chí Mậu chủ tọa những buổi họp ấy với sự giúp đỡ của một vị giáo thọ do Thượng tọa mời chọn. Thượng tọa Chí Mậu cũng đại diện cho tôi. Nếu cần tham khảo ý kiến của tôi về một vấn đề quan trọng, Thượng tọa có thể điện thoại hoặc fax cho tôi, và tôi sẽ cung cấp ý kiến trong vòng một giờ đồng hồ. Thỉnh thoảng nếu cần, tôi cũng có mặt trong buổi họp qua đường giây internet.

4. Các Phật tử cư sĩ tu học theo tổ đình được khuyến khích có một buổi họp giữa những vị cư sĩ ít nhất mỗi tháng một lần để đạo đạt ý kiến xây dựng của mình lên hội đồng tỳ kheo. Các vị sa di cũng có buổi họp hằng tuần để thực tập kiến hòa đồng giải và góp ý cho hội đồng tỳ kheo để hội đồng này có đủ ý kiến và nguyện vọng mà đi tới những quyết định đem lại hạnh phúc và sự tiến tu trong toàn chúng.

5. Ban điều hành (ban chăm sóc) được hội đồng các vị tỳ kheo bầu ra, không phải dựa trên nguyên tắc thâm niên mà dựa trên nguyên tắc khả năng làm việc. Có thể có những thành viên sa di và cư sĩ trong ban này. Thành phần của ban có thể thay đổi hoặc bổ túc trong những buổi họp của hội đồng tỳ kheo xảy ra sau đó, để càng ngày ban điều hành càng làm việc giỏi. Yếu tố thâm niên không dính líu gì đến việc công cử thành phần của ban điều hành. Quyền lực tối cao của chúng nằm ở hội đồng tỳ kheo chứ không phải ở một cá nhân. Hội đồng tỳ kheo đi tới mọi quyết định trên nguyên tắc tác pháp yết ma – chứ không phải trên nguyên tắc thâm niên. Đây là truyền thống đích thực của tăng đoàn Phật giáo từ nguyên thỉ.

6. Ban nghi lễ (có thể đặt tên là ban ứng phú hoặc ban hóa độ) được hội đồng các vị tỳ kheo công cử. Thành phần của ban gồm có những người có khả năng ứng phú nhưng cũng có khả năng độ người. Thành phần này cũng có thể được thay đổi hay bổ túc bằng những bưổi họp tỳ kheo sau đó. Mọi cúng dường đều được trao lại cho thủ quỹ của tổ đình, trừ chi phí chuyên chở, thuốc men, ẩm thực, v.v…Tất cả các bao thơ do các thí chủ cúng dường, dù cúng dường chung hay riêng cho các vị kinh sư, đều được trao lại cho vị thủ quỹ . Thượng tọa Chí Mậu sẽ có thông báo bằng văn thư hay bằng pháp thoại cho giới Phật tử tại gia biết về vấn đề này. Các thầy trong ban nghi lễ (cũng có thể gọi là ban kinh sư) như vậy sẽ có cơ hội nuôi dưỡng chúng bằng sự thực tập của mình, và sẽ được chúng biết ơn và thương yêu.

7. Vì là một tu viện, một học viện, một tổ đình lớn, nên sự học hỏi và hành trì thường nhật là cột sống của tổ đình, do đó ai trong đại chúng cũng có nhiệm vụ tham dự vào các sinh hoạt tu học và tổ chức, nhất là các vị có hạ lạp lớn cần phải làm gương mẫu cho các sa di và tân tỳ kheo. Những buổi giảng dạy, thiền tọa, tụng kinh, tụng giới hay học hỏi mọi người đều có mặt tham dự, chỉ trừ trường hợp bệnh, chấp tác hay tăng sai. Ba lần vắng mặt không có lý do sẽ bị cảnh cáo, sám hối, và nếu không tham dự vào sự học hỏi và tu tập nhiều ngày thì sẽ không được thường trú nữa ở tổ đình, dù đó là đệ tử của Sư ông Làng Mai hay Thượng Tọa Chí Mậu. Mỗi buổi công phu có mặt của toàn thể đại chúng luôn luôn có năng lượng hùng hậu nuôi dưỡng mọi người, ta không thể để cho một số sa di le hoe đi công phu trong khi các thầy lớn vắng mặt như ở các chùa bình thường. Sự kiện Thượng tọa Chí Mậu có mặt trong tất cả các buổi thiền tọa là một sự kiện mầu nhiệm, là một tấm gương lớn cho tất cả đại chúng. Tôi rất mừng về sự kiện này.

Thưa đại chúng, tất cả những điểm tôi vừa nhắc nhở đều đã được trình bày trong khóa tu tăng ni tại tổ đình vào tháng ba năm 2005 do tôi hướng dẫn. Những điểm ấy là cột sống của truyền thống Phật giáo. Với sự bảo hộ của chư tổ, tôi sẽ có mặt tại tổ đình mỗi năm để dạy học và thực tập với đại chúng. Thượng tọa Chí Mậu và tôi đều mong ước là trong vòng một vài năm nữa số lượng các vị xuất gia thường trú tại tổ đình sẽ lên tới 150 vị, và năng lượng tu tập sẽ rất hùng hậu. Ta sẽ đóng góp cho đất nước, cho dân tộc, cho giáo hội bằng sự tu học miên mật của chúng ta bằng cách tu học tinh chuyên. Tôi viết những dòng chữ này với tư cách niên trưởng của môn phái và của tổ đình. Xin anh em nắm tay nhau đi như một dòng sông để mọi người có thể xây dựng được tình huynh đệ cho vững chãi và thành tựu được ước mơ của mình, đó là bồ đề tâm của chúng ta. Thơ này nên sao ra để mỗi người có một bản để tự nhắc nhở mình.

Kính thư
Nhất Hạnh