Thư viết cho chúng thường trú trong chuyến đi Mỹ năm 2000
Thư gửi các con của Thầy
Đầu năm nay Thầy có ý muốn viết một cuốn sách (cho vui) về thầy trò mình với đề sách là “Học trò tôi” hoặc “Đệ tử tôi” hay là “Học trò tôi và tôi” (my disciples and me), kể chuyện từng đứa lớn lên thế nào, gặp Thầy thế nào, đi xuất gia làm sao, gặp những chướng ngại nào, may mắn nào, trong liên hệ thầy trò và giữa anh chị em có những khó khăn nào, những ngại ngùng nào, những hạnh phúc nào, những cơ hội nào, những chuyển hóa nào, v.v.. Thầy nghĩ mình nói lên được sự thật nhiều từng nào thì sách sẽ hay chừng ấy và công việc biên tập cũng như công bố sẽ cho mình rất nhiều niềm vui và cũng cho độc giả mình rất nhiều niềm vui. Vui nhất là thầy trò mình cùng ghi chung được vào một tập sách rất nhiều chi tiết của sự sống tu tập, hành đạo và giúp đời, để thỉnh thoảng đem ra đọc chơi với nhau rồi cứ theo đó mà bổ túc cho sách ngày càng thêm giàu có. Nó cũng có thể là cơ hội để mình soi chiếu nội tâm, lý tưởng và sự thực tập của mình. Mình chỉ xuất bản khi nào mình thấy “tạm vừa ý” thôi, phải không? Các con sẽ phải mỗi người tự viết phần mình, viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, hoặc vừa Việt vừa Anh cũng không sao, Thầy sẽ thêm phần của Thầy vào rồi thầy trò mình sẽ làm việc biên tập (editing) chung cho vui.
Nhưng trong chuyến đi này Thầy lại có thêm một ý khác là thầy trò mình có thể viết về các cuộc du hành hoằng hóa của tăng đoàn mình, mục đích cũng là để ghi lại những chuyện rất hay mà mình có thể chia sẻ với hằng triệu người thân. Tại vì Thầy thấy tăng đoàn mình đi hành đạo cũng đẹp lắm, không kém gì tăng đoàn thời nguyên thủy. Có nhiều lúc Thầy thấy các con của Thầy làm việc chung một cách thầm lặng và chuyên cần như một bầy ong và Thầy cảm thấy rất hạnh phúc – hạnh phúc nhiều lắm. Mùa xuân này tại Làng Mai trong khóa tu 21 ngày với đề tài Con Mắt Của Bụt, Thầy có nói nhiều tới Tăng thân như một bầy ong. Các con ong màu vàng. “Sáng nay tôi nghe xôn xao trong nắng mai, vũ trụ đang được những con ong vàng siêng năng bắt đầu khởi công tạo dựng” (trong bài thơ Bướm Bay Vườn Cải Hoa Vàng). Tăng đoàn của mình là tăng đoàn áo nâu nhưng thỉnh thoảng cũng biến thành tăng đoàn màu vàng để truyền giới, đi đâu cũng đi thành từng đoàn, làm gì cũng làm chung với nhau, rất đẹp. Có vài người từng bị nghe những lời xuyên tạc, khi được gặp tăng đoàn, thấy tăng đoàn tươi mát, hạnh phúc, làm việc chuyên cần và im lặng bên nhau, có đủ thương yêu, hòa hợp và rất dễ thương với họ, họ đã giật mình tỉnh thức và tự cải chính lấy những lời đàm tiếu họ đã từng nghe. Chúng ta đã từng đi nhiều chuyến ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ, tổ chức những khóa tu thật lớn, những ngày chánh niệm thật lớn, những buổi pháp thoại thật lớn có khi có cả bốn hoặc năm ngàn người tham dự. Cả thầy lẫn trò đã học hỏi được rất nhiều về cách tổ chức và hướng dẫn. Mỗi năm chúng ta đều có dịp học thêm và trong tương lai sẽ còn được học hỏi thêm nữa. Nhưng ngó lại thì trong năm nay, năm 2000, các con của Thầy đã giỏi lắm, chính Thầy cũng phải khen thầm. Các con giỏi không những khi thiết kế với nhau mà còn giỏi khi điều hợp công tác với người cư sĩ, lại biết nhận diện và sử dụng tài năng của họ, điều này thật quý. Tuy giữa chúng ta thỉnh thoảng cũng còn có một vài khó khăn, tuy giữa ta với người cư sĩ thỉnh thoảng cũng còn có một vài khó khăn, nhưng đó là chuyện đương nhiên phải có để giúp chúng ta được tiếp tục học hỏi thêm mỗi ngày, và những khó khăn đó bao giờ ta cũng vượt được nhờ sự hành trì giới luật, uy nghi, các pháp môn điều trị và làm mới.
Một khóa tu, một ngày quán niệm hay một buổi diễn thuyết công cộng lớn thường phải cần ít ra là một năm để chuẩn bị. Các con đã thiết kế ra sao, chuẩn bị thế nào, phân công làm sao, điều này chúng ta có thể ghi lại và chia sẻ với Tăng thân, với các sư em sau này và với các bạn khác. Có những khó khăn nào, những trở ngại nào, những trợ duyên nào, ta đều nên ghi chép lại. Ai làm gì thì ghi chép cái ấy, làm chung thì cũng ghi chép phần mình và nhận xét của mình. Những buổi họp chúng, đề cử người đi, những khó khăn trong việc ra thông cáo, thông bạch, đăng báo, truyền thanh, truyền hình, những đêm không được thức khuya làm việc với máy vi tính, những khó khăn không được Thầy và sư anh sư chị hiểu kịp cho, những khi phải mua vé trễ, tìm hãng xe để thuê, người đã có tên trong danh sách đi, bây giờ vì một lý do nào đó lại không đi được, và những điều xảy ra bất ngờ không tính trước, v.v… Ta phải ghi lại hết để mà khóc mà cười với nhau cho vui.
Các con nhớ lại mà xem, việc các sư anh, sư chị và sư em đi qua Escondido để chuẩn bị nơi cư trú cho tăng đoàn trong thời gian tăng đoàn lưu trú tại miền Nam Cali cũng đã ly kỳ không kém việc ông trưởng giả Cấp Cô Độc và thầy Xá Lợi Phất đi bộ từ Tu viện Trúc Lâm ở thủ đô Vương Xá đến thủ đô Xá Vệ và tìm mua được đất của thái tử Kỳ Đà. Nội về việc này cũng đã là một giai thoại lớn với tất cả những chi tiết li kì như sư em Pháp Dung gặp sư tử núi, như việc một con rắn từ trong rổ may của sư chị Trung Chính bò ra. (Chàng Pritam nói: “Nếu tôi mà như sư cô Trung Chính thì tôi sẽ bị heart attack mà chết ngay trước khi bị rắn cắn”). Rồi đến việc thầy Giác Thanh “dấn thân” hết mình, đứng ra giúp tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo tại chùa Huệ Quang. Có ai trước đây đã tưởng tượng có một thầy Giác Thanh đầy dẫy năng lượng như thế không?
Cuốn sách này mình tạm đặt tên là “bầy ong siêng năng”, trong khi chờ đợi một cái tên hay hơn. Các con ai đã ở vào vị trí và trách vụ nào thì viết về những gì mình đã trải qua, đã nghe và đã thấy. Trong các khóa tu, mình nghe và thấy cũng thật nhiều. Sư em Pháp Niệm và Pritam ngồi trong một nhóm pháp đàm ở khóa tu tại trường đại học UCSD đã nghe một thiền sinh Mỹ tám mươi mốt tuổi kể chuyện tại sao ông tới khóa tu. Ông nói tuy ông đã về hưu rồi, nhưng ông vẫn còn cổ phần trong thị trường chứng khoán. Gần đây giá cổ phần của ông xuống thấp quá, ông bị depression nặng. Ông phải đi bác sĩ tâm lý trị liệu để chữa. Ông thầy tâm lý nói: “Thôi ông đừng nhờ tôi chữa nữa. Hãy dùng số tiền đáng lý phải trả cho tôi để ghi tên vào khóa tu thầy Nhất Hạnh sẽ mở vào tuần tới tại UCSD. Tôi chắc là tới đó tu sáu ngày thế nào ông cũng hết depression”. Ông bác sĩ tâm lý này đã đọc sách Thầy, đã dự khóa tu và đã có từ bi đến mức không cần giữ khách hàng cho mình nữa. Bà vợ ông thiền sinh cũng đã bảy mươi bốn tuổi. Bà nói trong buổi pháp đàm là hai ông bà đã từng học đủ các đạo mà chưa thấy có đạo nào dạy thật rõ ràng, minh bạch về bản thân mình và cũng chưa thấy có đạo nào có tinh thần lạc quan, cởi mở và thực tiễn như đạo Bụt mà Thầy đang dạy. Nghe kể chuyện, Thầy nói “mình nên ghi tên hai ông bà lại để khi kể, mình biết “nói có sách, mách có chứng”. Những chuyện như vậy thật vui và đáng ghi chép, các con nghĩ có đúng không? Thầy biết mỗi người chúng ta đều có những chuyện như vậy để kể lại.
Hôm nay, chiều 20.9.00, Thầy có ý mời các con viết chung cuốn “bầy ong siêng năng” trước, ít nhất là ghi chép lại để đừng quên. Ghi chép chuyện hôm nay xong thì để thêm năm bảy phút ghi chép chuyện hôm qua và chuyện của các khóa trước. Hành văn cũng được mà ghi “notes” cũng được. Việc này vui lắm. Rồi trong khóa tu mùa đông, mình sẽ viết chung tập kia tức là tập “Thầy trò tôi”, vừa viết vừa học tiếp “Nhiếp Đại Thừa Luận”. Các con có bằng lòng không?
Thơ này Thầy sẽ đồng thời gửi cho các con của Thầy ở cả các xóm Thượng, Hạ, Mới, Thạch, Tùng, Trong Sáng, Vững Chãi và Bạch Vân. Thầy nghĩ tới tất cả các con và Thầy đang có hạnh phúc. Thầy ôm tất cả vào lòng và hôn trên trán từng đứa, ý thức rằng thầy trò mình đang được sống chung bên nhau.
Nhất Hạnh