Thân Kim Cương

Thể loại: Thư thầy

Thân Kim Cương

Thư ngày 07.10.2009

Bích Nham ngày 07-10-2009
Thư gửi các con Bát Nhã của Thầy,


Sở dĩ Thầy viết “các con Bát Nhã của Thầy” mà không viết “các con của thầy ở Bát Nhã” như kỳ trước, tại vì tuy các con không còn cư trú ở Bát Nhã nữa, nhưng các con vẫn còn mang danh xưng tăng thân Bát Nhã.  Các con với Bát Nhã là một.  Đi đâu các con cũng mang Bát Nhã đi theo, và Bát Nhã đã trở thành một thân kim cương bất hoại.  Bài kệ mà chúng ta xướng tụng trước khi đọc kinh Kim cương có danh từ “thân kim cương” như sau:

Làm sao vượt sinh tử
Đạt được thân kim cương?
Tu tập theo lối nào
Quét được muôn huyễn tướng?
Xin Bụt đem lòng thương
Mở bày kho bí tạng
Vì tất cả chúng con
Đem pháp mầu diễn xướng!

Bát Nhã đã trở nên huyền thoại, đã trở thành thân kim cương, không ai có thể tiêu hủy được nữa.  Bát Nhã là một đóa sen ngát hương nở trên bùn lầy của vô minh, của sự sợ hãi, lo lắng, tham nhũng và lạm dụng quyền hành.  Bát Nhã đã đi vào lịch sử.  Và các con đã may mắn có cơ duyên góp phần làm phát hiện đóa sen Bát Nhã.  Bát Nhã đã trở thành một phần của gia sản văn hóa đất nước.

Các con Bát Nhã của thầy hiện giờ không phải chỉ đang tỵ nạn ở chùa Phước Huệ mà cũng đang có mặt ở nhiều nơi khác, trong nước và ngoài nước.  Ở đâu các con cũng có đóa sen Bát Nhã trong lòng.  Đó là chí nguyện tu tập và độ đời, đó là trái tim ban đầu, đó là tâm bồ đề.  Đó là nguồn năng lượng giúp cho chúng ta còn là chúng ta, giúp cho chúng ta không bị tha hóa, mua chuộc, và bỏ cuộc.

Thầy đang có hạnh phúc vì thầy đang viết thư tâm sự với các con.  Dưới bút hiệu Nguyễn Lang thầy đã viết cho Chủ Tịch Nước và cho các bậc nhân sĩ trí thức Việt Nam trong và ngoài nước để nhờ các vị ấy lên tiếng can thiệp về vụ Bát Nhã.  Và đây là thư thầy viết cho các con.

Trước hết, thầy muốn kể cho các con nghe là chùa Phước Huệ nơi mà một số các con đang tá túc là nơi thầy đã từng cư trú trong nhiều năm.   Đó là những năm trong thập niên 50.   Hồi ấy thầy còn trẻ lắm, và chùa Phước Huệ còn đơn sơ chứ không đồ sộ như ngày nay.  Phía sau chùa là một vườn chè có cả ngàn cây.  Thầy có một cái am nhỏ mái lá vách đất ngay giữa vườn chè.  Thầy ở đó một mình, trong am chỉ vẻn vẹn có một cái giường ngủ và một cái bàn viết.  Thượng Tọa Thái Thuận chắc có thể chỉ cho các con thấy địa điểm của chiếc am lá ngày xưa ấy.  Một đêm thầy nằm mơ thấy mẹ thầy, dung nhan không khác gì ngày xưa với mái tóc dài óng mượt.  Đang được ngồi nói chuyện với mẹ với rất nhiều hạnh phúc thì bỗng nhiên thầy thức dậy.  Và thầy nhớ ra rằng mẹ thầy đã mất trước đó mấy năm.  Thầy trỗi dậy, mở cửa đi ra ngoài.  Trong am không có nhà vệ sinh, và vì làng Công Hinh (tên ngôi Làng trong đó có chùa Phước Huệ) là một miền núi quê, chung quanh am này toàn là cây chè nên mình có thể ngồi đi tiểu giữa những cây chè.  Vừa bước ra khỏi am thì thầy tiếp xúc được với ánh trăng vằng vặc bao phủ cả đồi chè.  Trăng đêm ấy là trăng hạ tuần, sáng đẹp và hiền hòa vô cùng.  Đất trời rất thanh tịnh.  Và thầy có cảm tưởng là thầy đang được mẹ ôm vào lòng, tình mẹ dịu như ánh trăng khuya.  Bỗng nhiên thầy giác ngộ ra rằng mẹ của thầy chưa bao giờ mất, mẹ của thầy luôn luôn còn đó cho thầy, và bản chất của mẹ là vô sinh bất diệt.   Những đau buồn thương nhớ trong mấy năm mất mẹ vừa qua đột nhiên tan biến, và thầy đã mỉm cười trong ánh trăng khuya.  Thầy nhớ là thầy đã ghi câu chuyện này ở đâu đó, có thể là trong tác phẩm Nẻo Về Của ý.

Thầy biết là đồi chè bây giờ không còn nữa, chiếc am lá cũng không còn, nhưng nếu các con có dịp đi thiền hành bên ngoài trong khung viên chùa Phước Huệ vào một ban đêm có trăng, thì các con có thể hình dung lại cái đêm mầu nhiệm ấy, và nhìn lên mặt trăng các con sẽ thấy thầy và mẹ thầy đang mỉm cười với các con.

Trong chuyến đi hoàng pháp mùa Thu 2009 này ở Hoa Kỳ đã xảy ra một sự kiện mầu nhiệm, đó là khóa tu tổ chức tại công viên Estes ở tiểu bang Colorado.  Khóa tu này có 980 thiền sinh từ các tiểu bang đến tham dự, bắt đầu từ ngày 21 đến ngày 26 tháng 8 năm 2009.  Trong số các thiền sinh ấy có khoảng 50 phần trăm những người chưa bao giờ gặp thầy, nghe thầy giảng hoặc tới tham dự một khóa tu với thầy.  Họ chỉ biết thầy qua những cuốn sách do thầy viết, xuất bản tại Hoa Kỳ.  Họ đến khóa tu mục đích là để trực tiếp nghe thầy giảng dạy và hướng dẫn tu tập.  Có rất nhiều vị đã phải đi máy bay nhiều tiếng đồng hồ mới tới được thành phố Denver rồi thuê xe lên núi dự khóa tu.  Đúng rồi, công viên Estes là nơi có cơ sở của tổ chức YMCA (Young Men Christian Association), có khả năng cung cấp chỗ cư trú, thức ăn và tiện nghi vệ sinh cho khoảng 1000 người; cao hơn mặt biển tới gần 1000 thước, nên rất mát và lạnh, cảnh vật núi rừng vĩ đại xanh tươi và mầu nhiệm.  Cứ mỗi hai năm một lần là thầy đến để hướng dẫn khóa tu, mà khóa nào cũng đông người tham dự.

Nhưng kỳ này vì bệnh cho nên thầy không thể tới tham dự và hướng dẫn khóa tu được.  Các bác sĩ tại bệnh viện Massachusetts General Hospital (MGH) sau khi chẩn bệnh cho thầy đã đề nghị thầy nên bỏ khóa tu tại trường Đại Học Stonehill ở tiểu bang Massachusetts thầy đang hướng dẫn nửa chừng, và bỏ luôn khóa tu ở YMCA nơi công viên Estes tại tiểu bang Colorado để điều trị bệnh nhiễm trùng phổi của thầy.  Các bác sĩ nói ít nhất thầy phải ở lại 14 ngày trong bệnh viện thì mới điều trị được.  Bác sĩ Sicilian, vị y sĩ trưởng nổi tiếng về cách điều trị bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn pseudomonas aeruginosa cũng là người chịu trách nhiệm về khu điều trị đặc biệt trên tầng lầu thứ 12 của bệnh viện đã khuyên thầy nên ở lại ngay bệnh viện đêm hôm ấy để bắt đầu điều trị.  Nhưng sau đó thầy đã quyết định về lại trường đại học Stonehill để hoàn tất khóa tu ở đấy trước khi trở lại nhập viện.  Khóa tu tại Stonehill có chủ đề là Be Peace, Be Joy, Be Hope (Bình An, Hạnh Phúc và Hy Vọng), khởi đầu từ ngày 11-08-09, và vào năm giờ chiều ngày 13-08-2009 thầy đã có được chút thì giờ để đi kiểm điểm lại sức khỏe.  Mấy tuần lễ trước đó, chứng bệnh nhiễm trùng đã trở nặng và thầy thấy thỉnh thoảng trong đàm khạc ra có chất máu đỏ tươi hoặc tím đen.  Sau bảy giờ đồng hồ chờ đợi và thử nghiệm, các bác sĩ đã khuyên thầy nên bắt đầu điều trị ngay, không được trì hoãn.

Thầy về tới trường Đại Học lúc 12 giờ khuya, và sáng hôm sau thầy cũng đã đi ngồi thiền với đại chúng, vẫn nói pháp thoại và đi thiền hành như không có chuyện gì xảy ra.  Không ai biết là thầy đang có bệnh.  Những bài pháp thoại trong ba ngày chót của khóa tu, ai cũng nói là rất hào hùng.  Thầy Pháp Đệ đã nói: trong khi nói các bài pháp thoại ấy, thầy rạng rỡ như có hào quang (you were luminous during these dharma talks).  Chỉ có các sư anh sư chị lớn của các con mới biết là thầy đang bệnh, và sẽ đi vào bệnh viện ngay sau khi chấm dứt khóa tu.  Chiều ngày 14-08-09 có một buổi họp đặc biệt của hội đồng giáo thọ, trong đó có các anh chị lớn được báo tin là thầy sẽ vào bệnh viện vào ngày thứ hai 17-08-09 và thầy sẽ không bay với tăng thân về Denver để cùng hướng dẫn khóa tu.  Trong buổi họp, hội đồng giáo thọ đã phân công và nhận lãnh trách nhiệm hướng dẫn khóa tu thay thầy, ai cũng có tinh thần tự nguyện rất cao, không cần có sự mời thỉnh.  Khóa tu ở Stonehill cũng rất đông, có khoảng gần một ngàn thiền sinh.  Ngoài các vị giáo thọ xuất gia, chưa ai biết là thầy sẽ không đi dự khóa tu ở YMCA, Estes Park, kể cả các thầy các sư cô.  Và khi gần đến giờ lên xe buýt đi ra phi trường, các thầy và các sư cô trong tăng thân mới biết là thầy sẽ không cùng bay với các vị ấy.   Đây là lần đầu tiên một sự kiện như thế đã xảy ra: thầy bỏ một khóa tu và tăng thân phải thay thầy hướng dẫn khóa tu.  Ban tổ chức biết thì giờ đã cận kề, không đủ thời gian để hoãn lại khóa tu, bởi vì tất cả đều đã được chuẩn bị: đặt phòng ốc, mua thực phẩm, xin nghỉ chép, mua giấy máy bay, hoặc đã lên đường về khóa tu bằng xe hơi hay xe buýt từ những tiểu bang khác rồi.

Chắc chắn là sẽ có rất nhiều vị thiền sinh buồn chán bất mãn và thất vọng vào ngày khóa tu khai mạc, khi biết rằng thầy không đến được.  Có những vị đã từng đọc sách thầy trong bao nhiêu năm, và đây là cơ hội đầu để có thể gặp thầy và tu tập với thầy.  Có những vị đã hứa với bạn bè và người thân sau khóa tu sẽ trở về thuật lại những kinh nghiệm gặp gỡ và tu tập với thầy.  Hy vọng và chờ đợi càng nhiều thì sự thất vọng buồn chán sẽ càng lớn.  Các thầy các sư cô lên đường bay về Denver với ý thức ấy, nhưng ai cũng có đủ can đảm để nhận chịu trách nhiệm: đây là cơ hội để chứng tỏ mình xứng đáng với sự trong cậy của Bụt, của chư Tổ và của Thầy.  Cơ hội là lúc này chứ không bao giờ nữa.  Cho nên ai nấy đều quyết tâm và hợp lực hướng dẫn khóa tu với tất cả tâm chí của mình.  Năng lượng cũng như tình huynh đệ trong tăng thân chưa bao giờ vững mạnh như trong những ngày ấy.

Trong khi đó thì thầy đã bắt đầu được trị liệu tại bênh viện MGH, một bệnh viện lớn nhất và có uy tín nhất trong vùng Đông Bắc Hoa Kỳ.  Nhập viện ngày 17-08-2009 thì đến sáng ngày 21-08-2009 thầy viết cho thiền sinh của khóa tu tại YMCA, Estes Park, Colorado một lá thư.  Tại bệnh viện, thầy nghe tin là tối hôm đó, khi nghe đọc lá thư của thầy, nhiều người đã khóc, xuất gia cũng như tại gia.  Tối hôm ấy sau khi đọc lá thư, các thầy và các sư cô đã trì tụng danh hiệu Quan Thế Âm và sau đó đã đưa ra những chỉ dẫn tổng quát về sự thực tập (orientation) cho trọn khóa tu.  Và tiếp theo thì toàn thể khóa tu thực tập im lặng hùng tráng cho đến giờ pháp đàm chiều hôm sau.  Sự thực tập im lặng hùng tráng này đã giúp cho khóa tu rất nhiều.  Rất nhiều người trong khi thực tập im lặng đã có cơ hội nhận diện và ôm ấp những bất mãn và thất vọng của mình, những tâm hành đã phát khởi khi nghe tin thầy không có mặt trong khóa tu.  Buổi thiền hành sáng ngày hôm sau, giờ ăn sáng im lặng và buổi pháp thoại đầu đã giúp cho nhiều vị thiền sinh ôm ấp và chuyển hóa được những tâm hành thất vọng, lo lắng và bất mãn của họ. 

Tại bệnh viện MGH thầy được nghe tin tức về khóa tu mỗi ngày hai lần.  Thầy được biết là các sư anh sư chị giáo thọ đã nói những bài pháp thoại rất hay và rất thực tế.  Thầy được biết là các thầy và các sư cô, không ai bảo ai, không ai cần sách tấn ai, tất cả đã có mặt rất đúng giờ trong các buổi sinh hoạt tu tập, và làm gương mẫu cho đại chúng một cách hết lòng và tất cả các thiền sinh đều cảm được điều ấy, do đó ai cũng nỗ lực tu tập.  Đến ngày thứ ba thì tất cả đều được chuyển hóa.  Trong buổi be-in (có mặt cho nhau) vào ngày thứ năm, có nhiều vị đã phát biểu rằng khóa tu “One Buddha Is Not Enough” này là khóa tu trong ấy họ được chuyển hóa nhiều nhất, và tuy thầy không có mặt với hình hài thầy, tất cả đều cảm thấy sự có mặt của thầy trong khóa tu, trong các thầy các sư cô và trong chính họ.  Sáng hôm ngày 25-08-09 thầy viết cho đại chúng khóa tu một lá thư thứ hai, và lá thư này đã được đọc trong đầu buổi sinh hoạt be-in này.  Trong lá thư thầy đề nghị rằng khóa tu tại YMCA ở công viên Estes nên được tổ chức hàng năm, dù thầy có mặt hay không có mặt, và mọi thiền sinh kể cả những vị mới tới lần đầu trong khóa tu này nên ghi danh đến tu tập và góp phần tổ chức khóa tu cho những người khác cũng có cơ hội đến tu tập.  Sau khi sư chị Đẳng Nghiêm đọc lá thư ấy và đặt câu hỏi là ai đồng ý với thầy để đến tu tập cùng nhau mỗi năm một lần ở đây, thì tất cả đều đưa tay lên tự nguyện.

Khóa tu đông tới 980 người mà chỉ có 15 người bỏ về vì lý do thầy không có mặt, còn tất cả đều ở lại để quyết tâm thực tập.  Vì thầy không có mặt nên tất cả đều nổ lực tu trì cho nên khóa tu đem lại rất nhiều chuyển hóa và an lạc.  Có nhiều người nói: khóa tu này tuy không có thầy, nhưng tôi thấy nó là khóa tu hay nhất từ trước đến giờ (it was the best retreat I have attended.)  Nghe kể lại như thế thầy rất hạnh phúc.  Thầy thấy là thầy đã được tiếp nối đầy đủ bởi tăng thân của thầy, thầy thấy thầy đã được các con của thầy tiếp nối thầy một cách đẹp đẽ.  Nếu thầy không bị bệnh và không vắng mặt trong khóa tu thì mọi người đã không có cơ hội chế tác được sức tự lực tự cường dũng mãnh như thế.  Cho nên trong cái rủi lại có cái may.

Cả thầy và cả tăng thân đều đã thấy rằng thầy đã được tiếp nối, và dù sắc thân này của thầy đang còn hay đã tàn hoại thì tăng thân vẫn tiếp tục lớn mạnh và sự thực tập sẽ mãi mãi được duy trì về sau.  Một vị thiền sinh sau khóa tu đã viết cho thầy, “Chúng con đã nhận được thông điệp của thầy:  One Buddha Is Not Enough.  Con hiểu: one Thầy is not enough.  Mỗi người trong chúng con phải thay thế được cho thầy.  Và khóa tu YMCA 2009 đã chứng thực được điều đó.”

Tây phương có câu ngạn ngữ: từ đống tro tàn, con chim Phượng Hoàng đã bay lên.  Từ cái Rủi, cái May đã được thoát hình.  Khóa tu YMCA 2009 là một con chim Phượng Hoàng tuyệt đẹp, nó đem lại cho chúng ta rất nhiều niềm tin và hạnh phúc.  Đóa sen Bát Nhã cũng là một con chim Phượng Hoàng khác thoát hình từ đống tro tàn của tham nhũng, lạm dụng quyền hành, u mê, sợ hãi và dối gạt.  Nhờ những bùn đất ấy mà đóa sen đã nở.  Các con của thầy, nhờ được trui luyện trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đã học hỏi được rất mau chóng, đã chuyển hóa được rất mau chóng, đã tiếp nhận được sự trao truyền một cách mau chóng, đã đứng vững được như một tăng thân có hùng lực và từ bi, đã chứng tỏ được rằng vô úy, từ bi, hùng lực và hành xử bất bạo động là những gì có thực chứ không phải là những điều chỉ có trên đầu môi chót lưỡi.  Các con đã cứu chuộc (redempt) cho cả một cộng đồng Phật giáo trong nước cũng như ngoài nước.  Các con đã tỏ ra không thù oán gì thầy Đức Nghi và các thầy Đồng.   Các con đã tỏ ra không thù oán ngay những người đã tới đập phá Bát Nhã và trục xuất các con, trong đó có những chú công an.  Các con đã thấy được kẻ thù ta không phải là con người mà là vô minh, hận thù, bạo động, tham nhũng, hèn nhát, và dối gạt đang cần được chuyển hóa trong ta và chung quanh ta.  Một vị công an tại Dam’bri đã xin lỗi thầy Pháp Tụ khi thầy ấy điện thoại tới thăm hỏi và nói rằng sở dĩ ông ta đã hành xử như thế cũng là tại vì cấp trên ra lệnh.  Các con cũng đã thấy được cái khổ của người công an.

Trong giờ vấn đáp hôm qua tại khóa tu Enlightenment Is Now Or Never (Giác Ngộ là bây giờ hoặc không bao giờ hết) tại tu viện Bích Nham, một thiền sinh Tây Phương đã hỏi thầy, “Bạch thầy con rất muốn có từ bi đối với những người đã gây ra khổ đau cho nhiều người khác, nhưng sao con thấy khó thương được họ quá.”  Thầy đã trả lời: Quý vị đừng tưởng từ bi là một cái gì tiêu cực.  Từ bi là một năng lượng rất hùng tráng. Từ bi không có nghĩa là ngồi đó để người kia muốn làm gì thì làm. Có từ bi thì mình phải tìm cách chuyển hóa người đó.  Nếu cần tranh đấu thì phải tranh đấu, tạo áp lực quần chúng buộc người ấy phải chấm dứt hành động đàn áp hại nước hại dân của người ấy.  Làm như thế mà không có tâm niệm hận thù và ghét bỏ người ấy, cái đó mới đích thực là từ bi.  Từ bi phải đi chung với hùng lực.   Bài tựa Chú Lăng Nghiêm có câu: đại hùng, đại lực, đại từ bi. Các con của thầy nhờ đang có được một ít năng lượng của hùng lực và từ bi ấy cho nên đã đánh động được lương tâm thế giới, trong nước cũng như ngoài nước và gây niềm tin nơi pháp môn thực tập mà đức Thế Tôn chỉ dạy.  Chúng ta không lặp lại những giáo lý của Bụt như những con vẹt.  Chúng ta thực tình muốn ứng dụng giáo lý ấy vào cuộc đời.  Nếu tất cả các điều kiện đều thuận lợi hết, nếu không có khó khăn đến từ bên trong và bên ngoài thì các con đã không làm được những gì mà các con làm. Thầy cũng vậy, nhờ đã trải qua những khó khăn và tủi nhục nên thầy đã chế tác được năng lượng hiểu và thương và làm được như lời Bụt dạy trong Kinh Pháp Hoa: lấy mắt thương nhìn cuộc đời (từ nhãn thị chúng sanh).

Thư còn dài thầy sẽ gửi tiếp cho các con sau.