Xin đừng nghe lời thi sĩ
trong tách cà phê của anh sáng nay có một giọt lệ
xin đừng nghe lời tôi
trong tách cà phê sáng nay của tôi có một giọt máu
bạn ơi xin đừng la mắng tôi
tôi không thể nào nuốt trôi được chất loãng này
không khí trong buồng phổi tôi sáng nay đã trở nên đông đặc.
chàng nói hãy cho chàng khóc bằng mắt anh
bởi vị chàng không còn mắt
chàng nói hãy cho chàng đi bằng hai chân anh
bởi vì chàng không còn chân
và với bàn tay tôi đây
tôi đang sờ vào ác mộng các anh
chàng nói chàng đã được giải phóng rồi
giải phóng là để cho người còn lại
bàn tay tôi úp xuống mặt bàn
vũ trụ trầm ngâm
biển lớn vẫn chưa hề nguôi cơn thổn thức
và năm đỉnh núi cao
giữ nguyên thế hồng hoang trời đất
tinh tú trên cao
đêm đêm ngân hà một giải
bí mật ngàn đời chưa hề hé mở
bàn tay tôi nằm úp mặt bàn
vững chãi giữ chặt Tề Thiên không cho vùng dậy.
không! bàn tay tôi sẽ không bao giờ lật ngửa ra trên mặt bàn
như một vỏ sò ngả nghiêng
dạt trôi vào bãi biển
như một thân hình ngã lăn cù khi trúng đạn
để cho núi sông ngã đổ
để cho tinh tú tắt ngấm nền trời
để cho đại dương bặt tiếng thủ thỉ muôn đời.
bàn tay tôi vẫn còn úp xuống mặt bàn
và năm đỉnh núi cao
vẫn còn hiên ngang thống trị
bí mật ngàn đời chưa hé
nhưng sao trăng đêm rằm còn đương thì thầm nói chuyện
bàn tay tôi còn úp mặt bàn
đợi phút linh về lật ngược thế thăng bằng trời đất
bàn tay
dáng núi bàn tay
Bài này được in trong tập Tiếng Đập Cánh Loài Chim Lớn xuất bản năm 1967 bốn tháng trước tết Mậu Thân, nhưng không được trọn bài. Thầy có dịch ra anh ngữ và đọc đêm 12.11.1967 tại phòng khánh tiết thành phố Nữu Ước (Town Hall) trong một đêm thi ca cho hoà bình Việt Nam do hội Thân Hữu Hoà Giải (Fellowship of Reconciliation) tổ chức, có sự tham dự của hai mươi hai thi sĩ Hoa Kỳ trong đó có Robert Lowell. Arthur Miller, Mark Van Doren, Paul Gooodman, Marguerite Young, Daniel Berrigan v..v… Đêm thi ca này được thu thanh và truyền lại thành một đĩa hát của hãng Spoken Arts lấy tên là Poets for Peace. Bản dịch Anh văn tác giả đã bỏ rơi đâu mất, tôi tìm mãi vẫn chưa được.
Trong bài thơ này, hơi thơ đi rất mạnh, mạnh như một câu đà la ni (thần chú) đang được tuyên đọc. Tôi hình dung một bàn tay đang bắt ấn và bài thơ đọc lên như một khẩu quyết, duy trì mạng sống của con người và của vũ trụ. Ta có cảm tưởng như không có ấn quyết ấy, không có thần chú ấy thì lập tức con người ngã lăn ra chết như một “vỏ sò ngả nghiêng dạt trôi vào bãi biển” và vũ trụ pháp giới cũng tan rã biến hoại và “tinh tú tắt ngấm nền trời”, “đại dương bặt tiếng thủ thỉ muôn đời”.
Mạng sống của con người quý hóa vô chừng. Vũ trụ chỉ hiện hữu khi mạng sống hiện hữu. Mạng sống sụp đổ là vũ trụ sụp đổ. Mỗi khi có một mạng sống sụp đổ là vũ trụ lại sụp đổ.
Bàn tay úp trên mặt bàn có dáng núi Ngũ Hành Sơn, trấn ngự một Tề Thiên Đại Thánh trong đó. Lá bùa của đức Phật trấn giữ không cho Ngộ Không nổi loạn, duy trì sinh mạng duy trì vũ trụ. Đó là pháp giới thực ấn.
Nhưng dù hiện hữu con người và pháp giới vẫn còn là một bí mật ngàn đời chưa hé. Phút giác ngộ tới có thể lật đổ thế thăng bằng của thực ấn, và phát giác ra sự thực của cuộc tồn sinh. Đứng sau sự thao thức bảo vệ sự sống là sự thao thức khám phá thật tướng của pháp giới, của vũ trụ và con người.