mười bông hoa trên trời
mười bông hoa dưới đất
sen nở trên mi Phật
sen nở trong tim người
bồ tát cầm đoá sen
dáng nghiêng trời nghệ thuật
trên cánh đồng sao mọc
nụ cười trăng mới lên
tàu lá dừa màu ngọc
vắt ngang lưng trời khuya
tâm đi trong tỉnh mặc
bắt gặp chân như về
Chân dung bồ tát Padmapani mà tác giả thấy trên vách động Ajanta đã gây ấn tượng sâu đậm trong lòng thầy. Bức hoạ chắc là đẹp lắm, bởi vì bài thơ cũng đẹp. Nghe thầy nói động ajanta gồm có hai mươi hai tu viện đục vào trong núi đá, tu viện xưa nhất được thực hiện vào thế kỷ thứ hai trước Tây lịch và tu viện mới nhất được thực hiện vào tiền bán thế kỷ thứ bảy. Danh tích này đã bị rừng hoang xâm chiếm và mãi cho đến năm 1819 mới được phát kiến trở lại. Đây là một kho tàng nghệ thuật điêu khắc và hội hoạ Phật giáo rất phong phú, là nơi đã hấp dẫn hàng ngàn danh sư kiến trúc và hội họa quốc tế đến để nghiên cứu và tìm cảm hứng. Chân dung bồ tát Padmapani – Padma là hoa sen – được vẽ trên tường động số 1, một động được đục thành trong thượng bán thế kỷ thứ bảy. Các động Ajanta ở sát nhau, gần làng Fardapur, cách thị trấn Aurangabad chừng một trăm cây số, thuộc tiểu bang Bombay, An Độ.
Tác giả được viếng thăm các động Ajanta vào năm 1974 trên đường dự hội nghị “Tôn giáo với sự sống chung hoà bình” tổ chức tại Sri Lanka. Đó là vào mùa nực nhất của địa phương, cho nên rất vắng du khách. Thầy đã ở lại ba ngày ba đêm để ngồi rất lâu trong các động, chiêm nghiệm và chiêm ngưỡng. Thầy nói có lần thầy đã nằm rất lâu trên một chiếc giường đá trong một cái liêu xá của động số 9, một động được đục từ thế kỷ thứ hai trước Tây lịch, áp lòng bàn tay vào tường đá và quán tưởng rằng mình là vị tăng sĩ cư trú tại liêu xá này vào thế kỷ thứ hai trước Tây lịch.
Nghe Thầy kể chuyện, chúng tôi ai nấy đều ước ao có dịp đi viếng động Ajanta. Riêng tôi ngày xưa đã từng đi chiêm bái các Phật tích liên hệ đến đời sống đức Phật nhưng chưa từng nghe nói đến động Ajanta. Trong khi chờ đợi có dịp nay hành hương thắng tích này, tôi đã dở Encyclopaedia of Buddhism ra để tìm chữ Ajanta, được thấy mấy mươi hình ảnh về nội dung các sơn động và may mắn thay được thấy chân dung bồ tát Padmapani in màu. Nếu bạn có tự điển bách khoa Phật học thì xin mở trang 302 tập 2, sẽ thấy chân dung bồ tát và tàu lá dừa màu ngọc.