Người hành khất năm xưa còn ngồi đó

Thể loại: Tập Thơ

Người hành khất năm xưa còn ngồi đó

Từ khoáng, từ khí, từ sương

Từ tâm linh

Từ những giới tử du hành giữa các tinh vân đi mau bằng ánh sáng

Em đã tới đây, đôi mắt xanh tỏa rạng

Vô thỉ và vô chung đã cùng vạch đường đưa lối em sang

Trên đường đi em bảo em đã trải qua muôn triệu kiếp luân hồi sinh diệt

Đã từng làm bão lửa trên không

Đã từng đem thân đo tuổi núi tuổi sông

Làm cỏ làm cây

Làm sinh vật đơn tế bào

Làm đóa hoa diễm tuyệt.

Nhưng đôi mắt em nhìn tôi sáng nay

Lại chứng minh rằng em chưa bao giờ từng chết

Nụ cười kia vẫn mời tôi

Tham dự nữa vào trò chơi đã bày ra từ tiền kiếp:

Trò chơi đi trốn đi tìm.

Hỡi con sâu xanh sáng nay đang uốn mình đo chồi cây – chồi cây non đã mọc suốt một mùa hè năm ngoái

Ai cũng bảo em chỉ mới sinh ra trong mùa xuân năm nay. Thực ra, ngươi đã có mặt tự hồi nào?

Sao mãi tới phút này mới chịu hiện nguyên hình, đem theo nụ cười trầm lặng?

Sâu ơi, mỗi hơi thở của tôi làm tuôn ra hàng vạn tinh cầu

Cái rất lớn kia ai hay lại không ngoài cái thân em rất nhỏ

Ở mỗi chấm trên thân em đã thiết lập muôn ngàn cõi Phật

Và mỗi cái đo của em cần đến thời gian từ vô thỉ cho tới vô chung.

Người hành khất năm xưa vẫn còn trên Linh Thứu Sơn

Thản nhiên ngồi nhìn mặt trời huy hoàng đang lặn

Gotama! ô hay! ai bảo rằng Ưu Bát Đa La triệu năm mới có một lần nở?

Tiếng hải triều kia, có chiếc tai nào chịu lắng mà lại không nghe?

Từ khoảng 1970 trở đi, tôi nhận thấy Thầy chú ý tới các tác phẩm của các khoa học gia như Broglie, March, Heisenberg, Planck, Capra v.v… Thầy nói: “Ngôn ngữ của các nhà khoa học vật lý nguyên tử bây giờ càng lúc càng gần với ngôn ngữ Phật học.” Thầy cũng nói rằng nếu được khai thị, những người này sẽ có thể hiểu được Đại Thừa Phật giáo một cách dễ dàng. Vì vậy gần đây Thầy có dự định viết một cuốn sách nhỏ về Phật học cho họ. Trong bài thơ trên đây, danh từ giới tử không phải để chỉ cho hạt cải mà lại là tiếng dịch của danh từ mésons. Danh từ khí cũng có nghĩa là gaz.

Trong truyện Tố, Thầy thuật rằng bé Thạch Lang từ đá sinh ra. Có lần Thầy cười mà nói rằng tất cả chúng ta cũng đều sinh ra từ đá: từ khoáng, từ khí, từ sương . . . Đáng lý phải nói là “từ khí, từ khoáng, từ sương…” Bởi vì theo tôi thì trước hết là có những đám mây bằng gaz vĩ đại rồi sau đó mới có những vì sao…

Tại Phương Vân, nhiều hôm chúng tôi được đi thăm vườn với Thầy. Ở đây Thầy không bao giờ dùng chất độc hóa học để giết sâu, ốc sên và limaces. Đã có lần tôi thấy Thầy đối xử với những con ốc sên như là đối xử với những đứa con nít. Có lần Thầy để ra mười phút để quán sát một con sâu con, và nếu không muốn cho con sâu đó ăn mất cái chồi cây mới lên, ông dùng một ngọn lá đưa nó ra ngoài đồng cỏ.

Theo Thầy thì từ khi là “khoáng” là “khí” đến nay, ta chưa bao giờ từng chết: nếu chết thì đã không có mặt hôm nay. Mà nếu trong hàng trăm triệu năm qua ta không chết thì làm sao ta lại có thể chết trong mấy năm hoặc mấy chục năm sẽ tới? Các nhà khoa học kia nhận rằng những hạt bụi sương nhỏ bé cũng hàm chứa những vũ trụ nhiệm mầu khôn tả. Sinh diệt chỉ là hiện tướng. Có con mắt siêu việt được hiện tướng thì có thể thấy được đức Thích Ca giờ này còn ngồ trên đỉnh núi. Pháp hội Linh Sơn còn đó. Tiếng giảng kinh Hoa Nghiêm vẫn còn sang sảng. Đó là cái thấy mà con sâu xanh đem lại cho Thầy.