Mẹ

Thể loại: Tập Thơ

Mẹ

Bảy nămTrầm hương xa

Hình ảnh mẹ

Một sáng mùa thu lạnh nắng

Mẹ rũ áo ra về

Đau thương đầy vai trút nhẹ

Con không khóc:

Cuộc đời xa lạ, ra đi tủi hờn rưng rưng

Gió bay áo con

Vàng nắng, đồi cao, trời xanh,

Nấm đất.

Những người còn ở lại sau chót

Cũng ra về.

Con nói chuyện cuộc đời

Lòng tan nát nhưng bình an

Hiện hữu đã quá nặng nề trên vai mẹ

Bảy năm

Thỉnh thoảng mẹ về, linh động

Hôm nay hai giọt nước mắt xót thương

Tủi hờn con chia với mẹ

Hiện hữu vai con còn gánh

Nhớ về hình ảnh mùa thu xa

Trầm hương xa

Gió thổi vi vu

Đồi cao ngợp nắng hôm nay con về

Ở lại với con hôm nay mẹ ơi

Ngày mai không biết về đâu phiêu bạt

Nhưng mẹ vẫn còn

Ôi thương yêu ngàn năm

Cho con gục đầu nhớ nhung

Gọi về quê mẹ.

Bài này viết năm 1968, như vậy là thân mẫu của thầy mất vào năm 1959. Độc giả quen thuộc với Bông Hồng Cài Áo ít người biết đến bài này. Tập Bông Hồng Cài Áo viết từ năm 1962, trước đó một năm và được đoàn sinh viên Phật Tử phổ biến bằng cách chép tay thành hàng trăm bản. Lễ Bông Hồng Cài Áo đầu tiên đã được đoàn Sinh Viên Phật Tử Saigon tổ chức vào ngày rằm tháng bảy năm ấy tại chùa Xá Lợi. Tất cả những người tham dự đều được gắn hoa hồng trên áo. Người nào còn mẹ thì được cài hoa mầu hồng, người nào mất mẹ thì được cài hoa trắng. Hồi ấy tôi còn ở trong đoàn và làm việc ở ban Xã Hội của đoàn. Lễ này được giới sinh viên và học sinh hưởng ứng nồng nhiệt và từ đó năm nào đến rằm tháng bảy lễ này cũng được tổ chức ở nhiều địa điểm trong nước. Cho đến nay việc tổ chức lễ Bông Hồng Cài Áo đã thành một truyền thống. Số in của Bông Hồng Cài Áo đã lên tới hàng triệu, một phần bởi vì Lá Bối không giữ bản quyền sách này. Tuồng cải lương Bông Hồng Cài Áo được sáng tác và trình tuồng này do đoàn Thanh Nga (Thanh Nga, Thành Được, Ngọc Giàu v.v…) trình diễn đang được lưu hành. Anh nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác bản Bông Hồng Cài Áo năm 1967.