gió sớm mai hồng lật những trang ngà
tập thơ thời gian vô cùng dệt bằng tơ lụa không gian, đóng bìa xanh rừng thẳm
những trang thơ mênh mang lòng đại dương bát ngát
tôi tìm bài thơ chân dung em, nét chữ lung linh sắc hoa mầu lá
trời cao đã cho đại dương sâu ngôi sao đẹp nhất của mình
muôn đời mắt em ngời sáng
trùng điệp sóng dồn về cát trắng
trinh nguyên vừng trán phương Đông.
gió mai thoảng về hơi thở
cành lá thì thầm để rơi những giọt sương trời lác đác
Tây phương da trời là suối, những sợi tơ chiều vén gọn, để cho trăng nở tuyệt vời
mưa, ôi những sáng tuôn mưa – trời đất chuyển mình, dồn dập thét gào, những đọt cau xa oằn oại, những con chim trong mà mưa bạc,
tôi quỳ xuống rưng rưng, tiếng gọi của em từ bản thể vọng về, tôi gục đầu lắng hết tâm tư, mắt đẫm lệ nhớ
trưa, ôi những buổi trưa lắng vào tuyệt đối – trời cao xanh ngắt, bâng khuâng nghe tiếng gọi tôi về
tiềm thức dâng tràn u hoài của thăng trầm mấy kiếp
lá đón nắng hồn mai đến: chiếc áo Avril nhẹ sắc thoáng hương kỳ ảo mùa xuân
em khắp nơi
và đôi bàn tay em, đôi bàn tay, hoa nở tuyệt vời trên sự sống
phép mầu hiển hiện khi những ngón tay ngà hé mở:
chim bồ câu xoè cánh trắng
cao vút trời xanh hoà bình toả rạng – tiếng ngợi ca vẳng lại tự những tinh cầu xa…
đêm bình yên. trời cao. biển dâng từng đợt sóng và đợt sóng cao, to
hào hùng hơn cả
đang vươn mình tìm tới tận chân trời.
nét chữ trăng sao trên tờ thơ mầu nhiệm
em về: hoa hồng hé cánh
tia nắng đầu reo vui trên mầu hoa đại còn đẫm ướt sương khuya
nụ cười tới trên cánh hồng sen úp mi, hé nở:
bờ xanh xanh, hương xa gọi về muôn huyển tượng
long lanh mặt trời chói rạng trong ngàn sương đọng giọt.
mắt mờ hoen lệ
trước nhiệm mầu biểu hiện
tôi mỉm cười nhìn mây nước:
bài thơ em hé vườn sáng chân như.
Thiên nhiên chiếm một vị trí rất lớn trong thơ của thầy Nhất Hạnh. “Thiên nhiên là một biểu hiện của chân như” thầy thường nói. Có một lần tại Sorbonne, tôi nhớ thầy đã giảng tương tợ như sau: “Phật giáo Tiểu Thừa nhấn mạnh đến tính cách khổ đau của cuộc đời, còn phật giáo Đại Thừa nhấn mạnh tới tính cách mầu nhiệm của cuộc đời. Vị A La hán là hình ảnh của Phật giáo Tiểu Thừa, còn vị bồ tát là hình ảnh của Đại Thừa”. Trong Nẻo Về Của Ý, tác giả cũng nói: các vị bồ tát thường ăn mặc đẹp đẽ như trẻ em ngày Tết để làm đẹp cho cuộc đời. Trong bài thơ trên, tôi thấy thầy đồng nhất thiên nhiên với chân như và chân như với hòa bình. Khát vọng hòa bình như là khát vọng về nguồn, và sự hé mở của chân như là sự hé mở của đôi cánh bồ câu:
phép mầu hiển hiện khi những ngón tay ngà hé mở:
chim bồ câu xòe cánh trắng
cao vút trời xanh hòa bình tỏa rạng
tiếng gợi ca vẳng lại tự những tinh cầu xa
Bài này đã được thầy phổ nhạc. Lời cao vút, trang trọng. Tôi đã tập hát, nhưng lâu tôi lại quên và hát sai giọng.