Kinh Vị Mâu Ni Thành Đạt
(Phụ Tử Cọng Hội Kinh)
Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ 15, Đại Tạng Tân Tu 198
tương đương với Puràbheda Sutta, Sutta-Nipàta 848-861
Bối Cảnh
Đây là kinh Phụ Tử Cọng Hội. Phụ Tử Cọng Hội nghĩa là cha con gặp nhau. Khung cảnh dựng lên: Thái tử Tất Đạt Đa thuộc bộ tộc Thích Ca sau khi thành đạo, dựng lên Tăng đoàn, đã về thăm gia đình và có dịp giáo hóa cho hoàng gia cũng như cho dân chúng trong nước Ca Tỳ La. Bụt độ được cho vua Tịnh Phạn. Vua Tịnh Phạn tỏ thái độ rất cung kính đối với Bụt. Dân chúng lấy làm ngạc nhiên tại sao vua cha lại phải cung kính đứa con mình đến mức ấy. Vua mới nói cho mọi người biết nhân cách vĩ đại của con mình, ngay từ khi còn bé. Giới phụ nữ thuộc dòng họ Thích Ca tới quy y học đạo rất đông. Sau khi mọi người tiếp nhận giới pháp, Bụt dạy kinh này.
1. Đã tiếp nhận đầy đủ giới pháp, chúng con phải nhận diện như thế nào và phải nói như thế nào cho đúng về bậc có chánh kiến, bậc đã được sinh ra như một vị anh hùng trên thế gian, bậc đã vượt thoát mọi ràng buộc khổ nạn? Xin đức Gotam chỉ dạy.
2. Đó là người đã buông bỏ được mọi hiềm hận về quá khứ, mọi thắc mắc lo âu về tương lai. Trong giây phút hiện tại, người ấy cũng không bị hệ lụy vào bất cứ gì, cũng không bị kẹt vào hư danh và sự tôn kính của kẻ khác.
3. Không tham đắm vào tương lai, không ưu sầu về quá khứ, người ấy trên đường mình đi đã buông bỏ mọi tham cầu, mọi tà kiến, không giữ lại một tư kiến nào.
4. Đã buông bỏ mọi sợ hãi, đã trở nên vững chãi, nuôi dưỡng được chánh tín, người ấy diệt trừ được mọi nghi nan, không tật đố, lòng hoan hỷ với những gì đang có và yêu nếp sống thảnh thơi.
5. Có khả năng tiết chế, không tham vọng, có nhiều tuệ giác, không ganh ghét ai, không nói xấu ai, không trau chuốt bên ngoài, không nói lưỡi hai chiều, người ấy buông bỏ mọi hý luận và nghi ngờ.
6. Tâm ý giải thoát, không đắm trước, lìa tư kiến, không thêu dệt hư vọng, bước đi an tường, người ấy có khả năng giải tỏa được mọi tranh chấp, không bị dục kéo đi, và đoạn trừ được mọi dục tưởng.
7. Không mưu toan để đạt tới một cái gì mình muốn, cũng không lo lắng khi mình không có cái kia, người ấy không oán giận, không bị vị ngọt của ái dục sai sử.
8. Không tự cao, thấy được tự tánh bình đẳng và vô ngã, không có mặc cảm thua người hay bằng người, biết quán chiếu, biết đình chỉ tâm ý, người ấy thấy được cái gì là thiện cái gì là ác và buông bỏ được những vọng cầu về tương lai.
9. Không kẹt vào cái đang xảy ra, không bị cột chân lại bất cứ ở đâu, người ấy biết quán chiếu, nhìn thẳng vào các pháp và không còn bị vướng mắc vào gì nữa. Dù trong cõi dục, cõi sắc hay cõi vô sắc cũng thế, người ấy luôn luôn sử dụng thông tuệ của mình, do đó không có gì mà không vượt thoát được.
10. Ái đã diệt, tâm đã tĩnh, người ấy đã vượt qua những cơn lũ lụt sầu khổ để tới bến bờ vô ưu, không còn theo đuổi tìm cầu lạc thú gì nữa trong ba cõi. Đã cởi trói, đã buông bỏ tất cả, người ấy không còn có gì để gọi là sở đắc.
11. Không cần con trai, không cần ruộng đất, không cần trâu bò, không cần của cải, người ấy không còn gì để nắm bắt hoặc để đuổi xua.
12. Dù bị đám đông công kích, phỉ báng, xúc phạm, dù có bị các vị phạm chí và sa môn chê bai, người ấy vẫn ngồi yên bất động, vẫn cứ đường mình mình đi.
13. Không tật đố, không xan tham, dù có được thế gian tôn kính người ấy cũng không bị vướng mắc. Người ấy không tự tôn, không tự ti, không đòi bằng người, cái gì đúng pháp thì làm, phi pháp thì bỏ.
14. Thấy được tự tính không, đạt tới vô cầu, vô đắc, không còn vui cái vui phàm tục của thế gian, tâm ý đã thực sự dừng lại, vị mâu ni vượt thoát thời gian, đạt tới bản môn, đi vào kiếp ngoại.
Đại Ý
Kinh này nói về một con người xuất gia lý tưởng. Đây là một vị mâu ni, một người thành đạt trên con đường tâm linh và trở thành một bậc thầy, một người gương mẫu cho tất cả những ai muốn sống một cuộc đời xuất trần thượng sĩ. Mâu Ni có nghĩa là người tĩnh lặng (tịch mịch), người đã đạt tới bình an, không còn nắm bắt, không còn trông ngóng, hoàn toàn thảnh thơi, không có nhu yếu phô trương.
- Bài kệ đầu là câu hỏi về hạnh đức của một vị mâu ni.
- Bài kệ thứ hai: Người ấy không bị kẹt vào hư danh.
- Bài kệ thứ ba: Người ấy đã buông bỏ được mọi tham cầu.
- Bài kệ thứ tư: Người ấy biết sống tri túc, hạnh phúc, không còn sợ hãi, không còn tật đố; có khả năng sống thảnh thơi.
- Bài kệ thứ năm: Người ấy đã hết nghi ngờ, không còn nhu yếu lý luận.
- Bài kệ thứ sáu: Người ấy tâm ý giải thoát, không còn kẹt vào tư kiến, không bị ái dục lôi kéo.
- Bài kệ thứ bảy: Không còn trông cầu mong ước.
- Bài kệ thứ tám: Nắm vững được chỉ và quán, thấy được bình đẳng và vô ngã. Không còn mặc cảm.
- Bài kệ thứ chín: Không bị vướng vào hiện tại, không bị kẹt vào trong tam giới.
- Bài kệ thứ mười: Đạt tới chỗ vô ưu, giải thoát, viễn ly.
- Bài kệ thứ mười một: Không có nhu yếu làm sở hữu chủ của bất cứ một cơ sở nào, dù là chùa hay tu viện.
- Bài kệ thứ mười hai: Bất động trước mọi công kích và phỉ báng.
- Bài kệ thứ mười ba: Không bị sự cung kính của thế gian làm lay chuyển tâm ý.
- Bài kệ thứ mười bốn: Thấy được tự tính không, đã thực sự dừng lại, đã đạt tới vô đắc, đã vượt thoát thời gian, đi vào kiếp ngoại.
Bài kệ 1
Hữu giới cụ đương hà kiến 有 戒 具 當 何 見
Vân thuyết ngôn tùng ấm khổ 云 說 言 從 陰 苦
Nguyện Cồ Đàm giải thuyết thử 願 瞿 曇 解 說 此
Vấn chánh ý thế hùng sanh 問 正 意 世 雄 生
Bài kệ 2
Tiên dĩ hành khí trọng nhuế 先 已 行 棄 重 恚
Diệc bất trước hậu lai nguyện 亦 不 著 後 來 願
Lai hiện tại diệc bất thủ 來 現 在 亦 不 取
Diệc bất thọ tôn kính không 亦 不 受 尊 敬 空
Bài kệ 3
Vị lai tưởng bất trước ái 未 來 想 不 著 愛
Cửu viễn tưởng diệc bất ưu 久 遠 想 亦 不 憂
Hành viễn khả xả tế nhuyễn 行 遠 可 捨 細 軟
Tà kiến tận thiểu vô hữu 邪 見 盡 少 無 有
Bài kệ 4
Dĩ khứ khủng vô úy bố 已 去 恐 無 畏 怖
Bất khả động tín vô nghi 不 可 動 信 無 疑
Vô tật tâm lạc bỉ dữ 無 嫉 心 樂 彼 與
Hành như thị ái tôn mạng 行 如 是 愛 尊 命
Bài kệ 5
Năng tự thủ bất đa vọng 能 自 守 不 多 望
Tự đa đắc tuệ vô tật 自 多 得 慧 無 嫉
Bất ác xú bất mô dã 不 惡 醜 不 嫫 冶
Bất lưỡng thiệt xả hí nghi 不 兩 舌 捨 戲 疑
Bài kệ 6
Ý tất thoát vô sở trước 意 悉 脫 無 所 著
Khí tự kiến vô ỷ vọng 棄 自 見 無 綺 妄
An tường hành năng giải đối 安 庠 行 能 解 對
Diệc bất dục đoạn dục tưởng 亦 不 欲 斷 欲 想
Bài kệ 7
Bất học cầu sở lạc dục 不 學 求 所 樂 欲
Tất vô hữu diệc bất ưu 悉 無 有 亦 不 憂
Vô oán nhuế xả ái dục 無 怨 恚 捨 愛 欲
Bất vi vị sở khả sử 不 為 味 所 可 使
Bài kệ 8
Bất tự cao ngã vô đẳng 不 自 高 我 無 等
Đắc đối hủy hoành thủ kính 得 對 毀 橫 取 敬
Đương hành quán chỉ ý niệm 當 行 觀 止 意 念
Kiến thiện ác phi thứ vọng 見 善 惡 非 次 望
Bài kệ 9
Khứ sở tại vô sở chỉ 去 所 在 無 所 止
Quán hướng pháp đương hà trước 觀 向 法 當 何 著
Dục sắc không diệc vô sắc 欲 色 空 亦 無 色
Tùng hiệt kế bất dục thoát 從 黠 計 不 欲 脫
Bài kệ 10
Ái dĩ diệt nãi dĩ tức 愛 已 滅 乃 已 息
Tam giới không vô lạc ý 三 界 空 無 樂 意
Tất giải ly hà tùng đắc 悉 解 離 何 從 得
Đa tùng hải độ vô ưu 多 從 海 度 無 憂
Bài kệ 11
Bất nguyện sinh kiến hữu tử 不 願 生 見 有 子
Liệt địa hành nguyện bảo tăng 列 地 行 願 寶 增
Lai bất sinh khứ bất đáo 來 不 生 去 不 到
Dục hà sách tùng hà đắc 欲 何 索 從 何 得
Bài kệ 12
Tất vô năng thuyết đáo xứ 悉 無 能 說 到 處
Chúng học sa môn du tâm 眾 學 沙 門 遊 心
Tất lệnh cầu sở tại xứ 悉 令 求 所 在 處
Như xúc mạo tri như khứ 如 觸 冒 知 如 去
Bài kệ 13
Diệc bất tật diệc vô tham 亦 不 嫉 亦 無 貪
Tuy tại cao tôn bất lạc 雖 在 高 尊 不 樂
Bất lạc trung hạ bất lạc 不 樂 中 下 不 樂
Tùng pháp sinh phi pháp xả 從 法 生 非 法 捨
Bài kệ 14
Thị tất không diệc vô hữu 是 悉 空 亦 無 有
Tùng bất đắc diệc bất cầu 從 不 得 亦 不 求
Mạc dục thế tà lạc nhân 莫 欲 世 邪 樂 人
Ý dĩ chỉ tiện đáo tận 意 已 止 便 到 盡