Ðây là những điều tôi đã được nghe vào một thời mà Bụt còn đang ở tại vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Ðộc gần thành Xá Vệ. Hôm ấy, Bụt bảo các thầy khất sĩ: “Có bốn loại thức ăn giúp các loài sinh vật lớn lên và sống còn. Bốn loại thức ăn ấy là gì? Thứ nhất là đoàn thực, thứ hai là xúc thực, thứ ba là ý tư thực và thứ tư là thức thực.
“Này các vị khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về đoàn thực như thế nào? Ví dụ có một cặp vợ chồng kia có một đứa con trai nhỏ, thường chăm sóc nuôi dưỡng nó với rất nhiều thương yêu, một hôm muốn đem con (đến xứ khác sanh sống) đi qua một vùng sa mạc đầy nguy hiểm và tai nạn. Giữa đường hết lương thực, sa vào tình trạng đói khát cùng cực, không có cách nào giải quyết, họ mới bàn với nhau: “Chúng ta chỉ có một đứa con mà chúng ta thương yêu hết mực. Nếu ăn thịt nó thì ta sẽ sống sót và vượt qua khỏi cơn hiểm nạn này, còn nếu không thì cả ba người sẽ cùng chết”. Bàn tánh như vậy xong, họ giết đứa con, xót thương rơi lệ và gắng gượng ăn thịt con để sống còn mà vượt qua miền sa mạc.
“Này các thầy, các thầy có nghĩ rằng cặp vợ chồng kia ăn thịt con vì muốn thưởng thức hương vị của thịt ấy hoặc vì muốn cho thân thể họ có nhiều chất bổ dưỡng mà trở thành xinh đẹp thêm?
“Các thầy khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, không”. Bụt lại hỏi: “Có phải cặp vợ chồng ấy bị bắt buộc ăn thịt con để có thể sống sót mà vượt qua khỏi chặng đường hiểm nguy và hoang vắng?” Các thầy khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, đúng như vậy.”
Bụt dạy: “Này các thầy, mỗi khi tiếp nhận đoàn thực, ta phải tập quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt tới được cái thấy và cái hiểu rạch ròi (đoạn tri) về đoàn thực. Có được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về đoàn thực rồi thì tâm vướng mắc vào ái dục sẽ được tiêu tán. Tâm vướng mắc đã được tiêu tán thì không còn một kiết sử nào về năm đối tượng ái dục mà không tiêu tán trong con người của vị thánh đệ tử có tu có học. Còn kết sử trói buộc thì mới còn phải trở lại trong cõi đời này.
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về xúc thực như thế nào? Ví dụ có một con bò bị lột da và đi đâu con bò ấy cũng bị các loài côn trùng sống trong đất cát, bụi bặm và cây cỏ bám vào và rúc rỉa. Nằm trên đất thì nó bị các loài côn trùng ở đất bám vào mà ăn, đi xuống dưới nước thì nó bị các loài côn trùng ở dưới nước bám vào mà ăn, đứng ở trong không nó cũng bị các loài côn trùng trong hư không bám vào mà ăn, nằm xuống hay đứng lên nó cũng cảm thấy bức xúc, đau đớn nơi thân thể. Này các thầy, khi tiếp nhận xúc thực, ta cũng phải thực tập quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt tới cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về xúc thực. Có được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về xúc thực rồi thì ta hết còn bị vướng mắc vào ba loại cảm thọ. Không còn bị vướng mắc vào ba loại cảm thọ thì các vị thánh đệ tử có học có tu đâu còn phải dụng công gì nữa, bởi vì tất cả những gì cần làm đã được làm xong.
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ phải quán chiếu về ý tư thực như thế nào? Ví dụ có một đô thị hay một thôn làng gần bên bốc cháy, cháy cho đến khi không còn thấy khói lửa. Lúc bấy giờ có một trang sĩ phu thông minh, có trí tuệ, không muốn đi về phía khổ đau chỉ muốn đi về phía an lạc, không muốn đi về nẻo chết, chỉ muốn hướng về nẻo sống. Người ấy nghĩ rằng: nơi chốn kia có cháy lớn, tuy không còn khói, không còn ngọn lửa nhưng nếu ta không tránh mà lại đi vào trong chốn ấy thì chắc chắn sẽ chết, không còn nghi ngờ gì nữa. Suy tư như thế, người kia quyết định bỏ đô thị hoặc thôn làng ấy mà đi. Về ý tư thực, vị khất sĩ cũng phải quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về ý tư thực. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi như thế về ý tư thực rồi thì ba loại tham ái sẽ được đoạn trừ. Ba loại tham ái đoạn trừ rồi thì vị thánh đệ tử có tu có học kia đâu còn phải lao tác gì nữa, vì cái gì cần làm đã được làm xong.
“Này các thầy khất sĩ! Vị khất sĩ quán chiếu về thức thực như thế nào? Ví dụ quân lính canh tuần của vị quốc vương kia vừa bắt được một tên đạo tặc, trói người ấy lại và điệu tới nơi vua. Vì tội trộm cướp, kẻ đạo tặc bị phạt bằng cách để cho người ta đâm qua thân hình mình ba trăm mũi giáo, đau đớn khổ sở suốt cả đêm ngày. Về thức thực vị khất sĩ cũng phải quán chiếu như thế. Quán chiếu như thế thì sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về thức thực. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về thức thực rồi thì cũng sẽ đạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về danh sắc. Ðạt được cái thấy và cái hiểu rạch ròi về danh sắc rồi thì vị thánh đệ tử có tu có học kia đâu còn phải dụng công gì nữa, vì cái gì cần làm đã được làm xong.”
Bụt nói kinh này xong, các vị khất sĩ đều hoan hỷ phụng hành.
(Tạp A Hàm, Kinh số 373)