Trong tạng kinh chữ Hán
Người viết: Cư sĩ Chi Khiêm (thế kỷ thứ III)
Người dịch: Thích Nhất Hạnh
Dhammapada là giáo nghĩa thiết yếu của các kinh. Dhamma là pháp, Pada là câu, là cú, là kệ. Pháp Cú có nhiều bộ khác nhau: có bộ có 900 câu kệ, có bộ 700 câu, và có bộ 500 câu. Kệ là những lời ngắn gọn, như bài thơ, bài tụng. Những câu ấy do Bụt nói ra, không phải một lần tất cả các câu, mà chỉ khi nào xúc sự thì mới nói lên một câu. Tất cả các câu ấy đều có gốc gác rải rác trong các kinh.
Bụt là bậc có Nhất Thiết Trí, bản chất của Người là đại nhân từ, vì thương xót nhân gian cho nên mới xuất hiện trên cuộc đời này để mở bày đạo nghĩa, giải cứu cho con người. Mười hai thể tài kinh điển nói lên được một cách tổng quát những gì thiết yếu nhất của đạo nghĩa ấy để được phân thành một số kinh bộ. Bốn bộ kinh A Hàm được lưu truyền lại sau khi Bụt qua đời là do công phu của thầy A Nan tụng đọc lại. Các kinh dù lớn hay nhỏ đều bắt đầu bằng câu “Đây là những gì tôi đã được nghe khi Bụt đang cư trú ở miền…v.v.” Về sau các vị sa môn trong năm bộ phái Phật giáo đã nghiên cứu thông suốt về giáo nghĩa trong các bộ kinh ấy, sưu tầm và chép ra thành những bài kệ bốn câu hoặc sáu câu, xét theo ý nghĩa mà xếp riêng thành từng phẩm. Đối với mười hai thể tài giáo lý, không cần phải châm chước, không cần phải gọi bằng một cái tên riêng, cho nên mới gọi là Pháp Cú. Các kinh điển đều là do sự tập hợp của các câu nói về chánh pháp mà có. Pháp Cú cũng là sự tập hợp của các câu nói về chánh pháp.
Cận đại có nhà họ Cát lưu truyền một bộ kinh Pháp Cú có 700 bài kệ. Nghĩa lý của các bài kệ rất sâu, những người dịch chưa thật sự lột được hết nghĩa lý ấy. Được gặp Bụt đó là một việc hiếm có, được nghe lời dạy của Bụt cũng là một chuyện hiếm có. Với lại các vị Bụt lại hay xuất hiện ở miền Tây Trúc. Mà ngôn ngữ Tây Trúc rất khác với văn Hán. Sách là sách Ấn Độ, chữ cũng là chữ Ấn Độ, tên người và tiếng gọi sự vật không giống nhau, cho nên phổ biến được kinh điển là chuyện khó.
Ngày xưa có các thầy An Thế Cao và Phật Điều đã từng dịch kinh tiếng Phạn ra tiếng Tần, lột được ý, bây giờ ít ai nối tiếp được công việc ấy. Những người dịch kinh sau đó tuy không làm được cẩn mật như thế nhưng ít nhất cũng đã truyền đạt được phần đại ý, tuy còn thô thiển nhưng cũng đã là quý hóa lắm rồi. Trước hết là thầy Duy Kỳ Nan, từ Ấn Độ tới Vũ Xương vào năm thứ ba của niên hiệu Hoàng Vũ. Chính tôi đã được thầy ấy trao cho bản Pháp Cú có 500 bài kệ. Tôi mới mời vị đồng đạo của thầy ấy là ông Trúc Tương Diễm dịch ra chữ Hán. Ông Diễm tuy giỏi tiếng Phạn nhưng vốn liếng chữ Hán vẫn chưa đủ. Những lời dịch của ông ta còn mang rất nhiều tiếng phiên âm và ngữ pháp phạn ngữ, còn có vẻ chất phác quá. Khi nghe Chi Khiêm tôi nói rằng lời dịch còn chưa được thuần nhã, thì thầy Duy Kỳ Nan nói rằng Bụt chỉ cần nương vào nghĩa chứ không cần để ý tới tô điểm văn hoa. Chỉ cần chủ yếu lấy được cái pháp thôi chứ không cần đẹp. Những người truyền dịch kinh điển chỉ cần làm cho lời kinh dễ hiểu, đừng làm cho thất thoát cái nghĩa chính, đó là tốt rồi. Ngồi trong ban phiên dịch, có người nói: Ngày xưa Lão Tử đã từng nói, “Lời nói hay thì khó tin, lời nói tin thì khó hay.” Đức Khổng Tử cũng từng nói, “Sách không thể nói hết lời, lời không thể nói hết ý.” Những lời nói như thế cho ta thấy rõ rằng ý của các bậc thánh nhân rất sâu sắc vô cùng. Bây giờ dịch từ tiếng Phạn ra thì phải thật sự lột được ý kinh. Cho nên người dịch phải tự xem bài kệ bằng tiếng Phạn và đọc lên tiếng Hán bằng chính miệng của mình. Do đó phải cố gắng nói ra cho được cái ý chỉ trong bản gốc mà không cần phải thêm thắt văn hoa. Những chỗ nào người dịch không hiểu thì thà rằng đừng dịch. Cũng vì lẽ đó mà trong công việc dịch thuật thế nào cũng đã có những thất thoát, và có nhiều cái bị bỏ lại.
Tuy nhiên, dù lời còn chất phác nhưng ý chỉ rất thâm uyên, câu văn còn giản ước nhưng nghĩa lý rộng sâu và các sự việc nhắc tới đều có liên hệ mật thiết với các kinh. Chương nào cũng có gốc rễ của chương ấy và bài kệ nào cũng có nghĩa lý của bài kệ ấy.
Bên Ấn Độ, những người mới tu mà không chịu học kinh Pháp Cú là những người được gọi là ưa học nhảy lớp, không theo trình tự. Kinh Pháp Cú là đối tượng nghiên cứu quan trọng của người mới học mà cũng là kho tàng uyên áo cho những người đã đi sâu vào Phật học. Kinh này có khả năng chỉ bày cho những kẻ mê mờ, làm sáng tỏ cho những người còn nhiều nghi hoặc và giúp cho người ta tự học được một mình. Nhờ kinh này mà kẻ học giả tuy công phu bỏ ra còn ít nhưng kết quả thu hoạch được thì rất lớn. Cho nên ta có thể nói rằng kinh này là cốt tủy của giáo pháp vi diệu.
Lúc trước, khi tiếp nhận kinh này tôi thấy có nhiều chỗ tôi không hiểu được. Khi thầy Tăng Hội đem ông Diễm tới tôi lại có cơ hội chất vấn thêm. Nhân cơ hội ấy tôi lại nhận được thêm (từ các vị ấy) một số các bài kệ nữa, cho nên góp được thêm mười ba phẩm mới vào. Tham cứu các văn bản xưa và làm công việc hiệu đính thì kết quả là sau khi thêm mười ba phẩm mới vào, kinh này có được tất cả 39 phẩm và 752 bài kệ. Điều này đã đem lại nhiều bổ ích và giúp cho sự học vấn của chúng ta rộng rãi thêm nhiều.