Kinh Bát Nhã Hành

Thể loại: Tàng kinh

Kinh Bát Nhã Hành

Những vị Bồ Tát nào vì đời
Diệt trừ chướng ngại và phiền não
Phát tâm tịnh tín nơi Niết Bàn
Đều nên noi theo Bát aNhã độ.
Các sông lưu nhuận Châu Diêm Phù
Làm tươi dược thảo và hoa quả
Đều do uy lực của Long Vương
Cư trú nơi hồ Vô Nhiệt Trì.
Các giới thanh văn đệ tử Bụt
Phương tiện thuyết pháp độ được người
Vui hưởng phước báo hạnh tối thắng
Đều do uy lực Tối Thắng Tôn.
Bụt truyền con mắt của chánh pháp
Đệ tử theo đó mà hành trì
Thực hiện tự chứng và dạy người
Tất cả đều do uy lực Bụt.
Đối tượng tuyệt vời không nắm bắt
Không có sở chứng, không bồ đề
Nghe vậy mà không thấy khiếp sợ
Là Bồ Tát kia hiểu được Bụt.
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không
Không dính mảy may, không xứ sở
Bồ Tát không trú nơi pháp nào
Là chứng bồ đề không nắm bắt.
Bồ Tát khi cầu trí xuất gia
Soi thấy năm uẩn không thật tướng
Biết vậy không tìm cầu tịch tĩnh
Mới thật là hạnh trí Bồ Tát.
Sở đắc của trí này là gì?
Là soi thấy tất cả đều không
Một soi thấy rồi không hoảng sợ
Bồ Tát tự giác và giác tha.
Các uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Khi hành phải hiểu được tự tánh
Bồ Tát soi thấy uẩn đều không
Hành theo vô tướng, không danh tự.
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không
Không hành nên gọi vô tướng hành
Có hành nên không trí tối thắng
Không định, vô tướng và tịch tĩnh.
Nếu hành tịch tĩnh được như thế
Chư Bụt quá khứ đều thọ ký
Bản tính nhân duyên đã biết rồi
Khổ vui không còn chạm tới được.
Hành mà không thấy pháp sở hành
Là hành theo trí bực Thiện Thệ
Hành theo được pháp vô sở hành
Mới là Bát Nhã Hành tối thượng.
Vô sở hành ấy không thể nắm
Kẻ ngu chấp tướng nói có không
Có Không cả hai đều chẳng thật
Bồ Tát liễu tri nên thoát khỏi.
Bồ Tát biết được là huyễn hóa
Năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức
Thoát ly các tướng tịch tĩnh hành
Đó là Bát Nhã Hành tối thượng.
Thầy hiền bạn tốt mách bảo cho
Nghe Kinh Phật Mẫu không hoảng sợ
Thầy hư bạn xấu đưa lầm đường
Là vò chứa nước nung chưa chín.
Thế nào được gọi là Bồ Tát ?
Là kẻ đạt tới đệ nhất nghĩa
Chặt hết tà kiến trong quần sanh
Vì vậy nên gọi Ma Ha Tát.
Đại thí, đại huệ, đại uy đức
Ngồi xe tối thượng của Phật thừa
Phát tâm bồ đề độ chúng sanh
Cho nên gọi là Ma Ha Tát.
Như nhà ảo thuật giữa ngã tư
Hóa hiện đám đông chặt đầu người
Mọi cõi thế giới đều huyễn hóa
Biết thế Bồ Tát không sợ hãi.
Sắc, thọ, tưởng, hành, thức buộc ràng
Biết chúng không thật không cần cõi
Hành tâm Bồ Tát không vướng mắc
Đó gọi là Bồ Tát tối thượng.
Thế nào mệnh danh là Bồ Tát ?
Cỡi xe Đại Thừa độ chúng sanh
Thể tướng Đại Thừa như hư không
Bồ Tát được niềm vui an ổn.
Cỗ xe Đại Thừa không nắm được
Tới cõi Niết Bàn, đi mọi nơi
Nơi về không thấy, như lửa tắt
Vì thế nên gọi là Niết Bàn.
Sở hành Bồ Tát không nắm được
Tất cả ba thời đều thanh tịnh
Thanh tịnh, vô úy, không hý luận
Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.
Khi Bồ Tát hành hạnh đại trí
Phát đại từ bi độ chúng sanh
Không hề phát khởi niệm chúng sanh
Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.
Bồ Tát khởi niệm vì chúng sanh
Tu các khổ hạnh, có khổ tướng
Là còn tướng ngã, tướng chúng sanh
Không phải Bát Nhã Hành tối thượng.
Biết rõ tự thân và chúng sanh
Biết rõ các pháp cũng như thế
Sinh diệt không hai, không phân biệt
Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.
Bỏ hết danh từ và tên gọi
Ác pháp sinh diệt thế gian này
Đạt trí cam lộ vô tỷ ấy
Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.
Bồ Tát hành sở hành như thế
Biết rõ phương tiện, không mong gì
Bản tính pháp này biết không thật
Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.
Nếu không trú sắc không trú thọ
Cũng không trú tưởng, hành và thức
Mà chỉ an trú nơi chánh pháp
Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.
Thường và vô thường, khổ và lạc
Ngã và vô ngã đều là không
Không trú hữu vi, không vô vi
Trú vô tướng hành như Bụt vậy.
Thanh văn, duyên giác quả muốn cầu
Hay cầu quả Bụt cũng như thế:
Không trú nhẫn này không đạt được
Như sang sông lớn chẳng thấy bờ.
Nếu nghe pháp này nhất định đắc
Thành chánh đẳng giác, chứng bồ đề
Thấy nơi tất cả như tự thân
Đó là đại trí Như Lai nói.
Đại trí Bồ Tát hành như thế
Không học duyên giác và thanh văn
Chỉ học nhất thiết trí Như Lai
Học cái phi học mới là học.
Học không thọ sắc, không tăng giảm
Lại cũng không học những pháp khác
Chỉ vui học theo nhất thiết trí
Thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế.
Sắc không hữu trí, không vô trí
Thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế
Tự tính của sắc như hư không
Bình đẳng, vô nhị, không phân biệt.
Bản tính vọng tưởng không biên giới
Bản tính chúng sanh cũng thế kia
Tự tính hư không không ngằn mé
Trí Thế Gian Giải cũng như vậy.
Trí tuệ không sắc, Bụt đã nói
Lìa tất cả tưởng, đến Niết Bàn
Nếu ai lìa được các tưởng rồi
Ngữ ý người ấy trú chân như.
Người ấy ở đời hằng sa kiếp
Không nghe Bụt nói tiếng “chúng sanh”
Chúng sanh bất sanh, vốn thanh tịnh
Là hành Bát Nhã Hành tối thượng.
Tất cả ngôn từ ta nói ra
Đều mang nghĩa tối thượng Bát Nhã
Bụt quá khứ vì ta thọ ký
Sẽ chứng Bồ Đề đời vị lai.
Nếu ai thường thọ trì Bát Nhã
Hành tung chẳng khác Bụt sở hành
Đao kiếm, thuốc độc, lửa và nước
Cho đến loài ma không chạm được. (CCC)


(Đại Tạng Đại Chánh, kinh thứ 229)

Kinh Bát Nhã Hành: Kinh này được dịch từ phần trùng tụng của kinh Phật Mẫu Bảo Ðức Tạng Bát Nhã Ba La Mật trong tạng Hán do thầy Pháp Hiền dịch vào đầu thế kỷ thứ 11 (229, tạng kinh Ðại Chính). Ðây là kinh Bát Nhã xuất hiện sớm nhất trong nền văn học Bát Nhã. Những tư tưởng căn bản của Bát Nhã đều đã được hàm chứa trong kinh này.