Kinh Người Xuất Sĩ

Thể loại: Tàng kinh

Kinh Người Xuất Sĩ

Người xuất sĩ dù là còn trẻ nhưng hết lòng thực tập Phật pháp thì cũng giống như một mặt trăng soi sáng thế gian trong khung trời không có mây ám.

Sa Môn Phẩm Pháp Cú Kinh đệ tam thập tứ

沙門品法句經第三十四

Kinh Người Xuất Sĩ

Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng

Kinh thứ 34

Phẩm này có 32 bài kệ. Kinh này hoàn toàn để dành cho người xuất gia, nhưng người tại gia cũng cần phải học hỏi để có thể phân biệt được ai là người xuất gia chân chính. Người cư sĩ học kinh này sẽ thấy mình cũng có khả năng làm được như người xuất sĩ, nếu tâm bồ đề của mình đủ lớn mạnh. Mỗi bài kệ trong kinh này là một tấm gương soi sáng, rất tỏ tường. Ta hãy đọc các bài kệ thứ 5, thứ 6 và thứ 7 thì biết. Bài thứ 8 dạy các vị xuất sĩ làm lắng dịu các tâm hành, đạt tới bình an và thâm nhập được thiền định. Bài 15 dạy người xuất sĩ không cần làm sở hữu chủ của bất cứ cơ sở hay của cải nào. Bài 21 nhắc nhở rằng người xuất sĩ phải có hạnh phúc trong đời sống xuất gia, có khả năng chế tác hỷ lạc. Bài 22 dạy: người xuất sĩ dù là còn trẻ nhưng nếu hết lòng thực tập phật pháp thì cũng giống như một mặt trăng soi sáng thế gian trong khung trời không mây u ám. Các bài 23 và 24 ví vị xuất sĩ như một đóa sen, tinh khiết, vượt qua mặc cảm, buông bỏ ý niệm lưỡng nguyên, cắt đứt ân ái, chiến thắng ái dục, vượt qua được dòng lũ lụt. Đối với người xuất gia, kinh này cần nên tụng đọc ít nhất mỗi tháng một lần.

Bài kệ 1

Đoan mục nhĩ tỳ khẩu                  端  目  耳  鼻  口

Thân ý thường thủ chánh              身  意  常  守  正

Tỳ-kheo hành như thị                    比  丘  行  如  是

Khả dĩ miễn chúng khổ                可  以  免  眾  苦

Giữ gìn sáu căn là mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý của mình cho đoan chính, thực tập được như thế thì vị khất sĩ có khả năng diệt trừ được hết mọi khổ đau.

Bài kệ 2

Thủ túc mạc vọng phạm                 手  足  莫  妄  犯

Tiết ngôn thuận sở hành                 節  言  順  所  行

Thường nội lạc định ý                    常  內  樂  定  意

Thủ nhất hành tịch nhiên                守  一  行  寂  然

Tay chân không vọng động, lời nói được tiết chế, hành động thận trọng, thường ưa thích thiền tập, đó là tư cách của một vị hành giả tĩnh lặng.

Bài kệ 3

Học đương thủ khẩu                      學  當  守  口

Hựu ngôn an từ                             宥  言  安  徐

Pháp nghĩa vi định                         法  義  為  定

Ngôn tất nhu nhuyễn                      言  必  柔  軟

Kẻ hành giả giữ gìn khẩu nghiệp, nói lời an lành từ tốn, sử dụng ái ngữ để giảng bày yếu nghĩa của Phật pháp.

Bài kệ 4

Lạc pháp dục Pháp                          樂  法  欲  法

Tư tánh an Pháp                              思  惟  安  法

Tỳ-kheo y Pháp                               比  丘  依  法

Chánh nhi bất phí                             正  而  不  費

Ưa thích học hỏi Phật pháp, chiêm nghiệm về Phật pháp, có niềm vui khi học hỏi và hành trì Phật pháp, vị Tỳ-khưu nương vào Phật pháp, đứng vững trong Phật pháp và không đánh mất cơ hội của mình.

Bài kệ 5

Học vô cầu lợi                                  學  無  求  利

Vô ái tha hành                                 無  愛  他  行

Tỳ-kheo hảo tha                              比  丘  好  他

Bất đắc định ý                                 不  得  定  意

Hành trì mà không tìm cầu lợi dưỡng, vị Tỳ-khưu không thèm muốn cái người ta đang có. Tâm ý nếu còn thèm muốn cái người ta đang có, vị khất sĩ không thành tựu được thiền định.

Bài kệ 6

Tỳ-kheo thiểu thủ                            比  丘  少  取

Dĩ đắc vô tích                                 以  得  無  積

Thiên nhân sở dự                            天  人  所  譽

Sanh tịnh vô uế                               生  淨  無  穢

Tiếp nhận của cúng dường vừa phải, không có ý chất chứa cho riêng mình, vị Tỳ-khưu được các giới trời và người ca ngợi, làm phát sinh được sự thanh tịnh và trừ diệt được sự ô nhiễm.

Bài kệ 7

Nhất thiết danh sắc                         一  切  名  色

Phi hữu mạc hoặc                           非  有  莫  惑

Bất cận bất ưu                                不  近  不  憂

Nãi vi Tỳ-kheo                                乃  為  比  丘

Thấy được tất cả các hiện tượng sắc và tâm đều không thật có, không bị chúng mê hoặc, không nắm bắt chúng, cũng không lo buồn khi không có chúng, đó đích thực là một vị khất sĩ.

Bài kệ 8

Tỳ-kheo vi từ                                  比  丘  為  慈

Ái kính Phật giáo                             愛  敬  佛  教

Thâm nhập chỉ quán                       深  入  止  觀

Diệt hành nãi an                              滅  行  乃  安

Thực tập tâm từ, yêu kính Phật pháp, thâm nhập được các pháp chỉ và quán, vị khất sĩ làm lắng dịu được mọi tâm hành và đạt tới bình an.

Bài kệ 9

Tỳ-kheo hỗ thuyền                           比  丘  扈  船

Trung hư tắc khinh                          中  虛  則  輕

Trừ dâm nộ si                                除  婬  怒  癡

Thị vi nê hoàn                                 是  為  泥  洹

Cũng như tát nước ra khỏi chiếc thuyền cho chiếc thuyền được nhẹ, vị khất sĩ buông bỏ ái dục, sân hận và si mê, tới được Niết bàn.

Bài kệ 10

Xả ngũ đoạn ngũ                            捨  五  斷  五

Tư tánh ngũ căn                             思  惟  五  根

Năng phân biệt ngũ                         能  分  別  五

Nãi độ hà uyên                               乃  渡  河  淵

Buông bỏ năm sử, cắt đứt năm triền, nuôi lớn năm lực, vị khất sĩ vượt năm kiến, thoát ra ngoài cơn lũ lụt.

Bài kệ 11

Thiền vô phóng dật                         禪  無  放  逸

Mạc vi dục loạn                              莫  為  欲  亂

Ất thôn dương đồng                       不  吞  洋  銅

Tự não tiêu hình                             自  惱  燋  形

Vị khất sĩ thực tập thiền quán không hề phóng dật, không để cho ái dục làm loạn tâm mình, không nuốt hòn sắt nóng của ái dục và không tự đốt cháy hình hài mình bằng lửa ái dục.

Bài kệ 12

Vô thiền bất trí                               無  禪  不  智

Vô trí bất thiền                                無  智  不  禪

Đạo tùng thiền trí                            道  從  禪  智

Đắc chí nê hoàn                              得  至  泥  洹

Không thiền thì không tuệ, không tuệ thì không thiền, có thiền có tuệ mới có con đường đưa tới Niết Bàn.

Bài kệ 13

Đương học nhập không                   當  學  入  空

Tĩnh cư chỉ ý                                   靜  居  止  意

Lạc độc bình xứ                              樂  獨  屏  處

Nhất tâm quán pháp                        一  心  觀  法

Vị hành giả tìm tới chỗ yên vắng, ở lại nơi thanh tịnh, ngưng tụ tâm ý, ở một mình, cách biệt thế gian, đem hết tâm trí quán chiếu về các pháp.

Bài kệ 14

Thường chế ngũ uẩn                      常  制  五  陰

Phục ý như thủy                             伏  意  如  水

Thanh tịnh hòa duyệt                        清  淨  和  悅

Vi cam lộ vị                                     為  甘  露  味

Chế ngự được năm uẩn, điều phục được tâm ý như nước, trong sáng và hòa vui, vị khất sĩ nếm được hương vị của cam lồ tịnh thủy.

Bài kệ 15

Bất thọ sở hữu                                不  受  所  有

Vi tuệ Tỳ-kheo                                 為  慧  比  丘

Nhiếp căn tri túc                              攝  根  知  足

Giới luật tất trì                                戒  律  悉  持

Không làm sở hữu chủ (của bất cứ cơ sở hay của cải nào), một vị khất sĩ thông tuệ biết nhiếp phục các căn, thực tập tri túc, giới luật nghiêm minh.

Bài kệ 16

Sanh đương hành tịnh                     生  當  行  淨

Cầu thiện sư hữu                            求  善  師  友

Trí giả thành nhân                            智  者  成  人

Độ khổ trí hỉ                                    度  苦  致  喜

Suốt đời sống tịnh hạnh, tìm cầu thầy giỏi, bạn lành, bậc trí giả hoàn thành được nhân cách của mình, vượt qua biển khổ, tới được bờ vui.

Bài kệ 17

Như vệ sư hoa                                如  衛  師  華

Thụ như tự đọa                              熟  如  自  墮

Thích dâm nộ si                              釋  婬  怒  癡

Sanh tử tự giải                                生  死  自  解

Như một người bán hoa nhài, rũ cho những cánh hoa tàn rụng xuống, vị khất sĩ làm rơi rụng tham ái, hận thù và si mê, và tự tháo gỡ ra được những sợi dây sinh tử từng trói buộc mình.

Bài kệ 18

Chỉ thân chỉ ngôn                             止  身  止  言

Tâm thủ huyền mặc                         心  守  玄  默

Tỳ-kheo khí thế                               比  丘  棄  世

Thị vi thọ tịch                                   是  為  受  寂

Vị khất sĩ làm lắng dịu được thân và miệng, đưa tâm tới chỗ yên lắng diệu huyền, buông bỏ hết được chuyện thế gian, được xưng tán là một bậc tĩnh lặng.

Bài  kệ 19

Đương tự sắc thân                         當  自  勅  身

Nội dữ tâm tranh                           內  與  心  爭

Hộ thân niệm đế                            護  身  念  諦

Tỳ-kheo duy an                              比  丘  惟  安

Tự mình làm chủ được hình hài, lắng được tâm ý, hộ trì được tự thân, quán niệm về chân đế, vị khất sĩ tìm thấy được sự bình an.

Bài kệ 20

Ngã tự vi ngã                                 我  自  為  我

Kế vô hữu ngã                                計  無  有  我

Cố đương tổn ngã                          故  當  損  我

Điều nãi vi hiền                               調  乃  為  賢

Tự mình bảo hộ được cho mình, nhưng không còn cố chấp vào một cái ngã và không tự làm hư hại cho bản thân, điều phục được như thế thì vị khất sĩ được gọi là một bậc hiền giả.

Bài kệ 21

Hỉ tại Phật giáo                               可  以  多  喜

Khả dĩ đa hỉ                                    可  以  多  喜

Chí đáo tịch mịch                            至  到  寂  寞

Hành diệt vĩnh an                             行  滅  永  安

Có hạnh phúc trong đời sống xuất gia, có khả năng chế tác niềm vui lớn, đến được cõi tĩnh lặng, nơi ấy các pháp hữu vi đều được nhiếp phục thì sẽ được hưởng an ổn lâu dài.

Bài kệ 22

Thảng hữu thiểu hành                      儻  有  少  行

Ưng Phật giáo giới                          應  佛  教  戒

Thử chiếu thế gian                           此  照  世  間

Như nhật vô ê                                 如  日  無  曀

Người xuất sĩ dù là còn trẻ nhưng hết lòng thực tập Phật pháp thì cũng giống như một mặt trăng soi sáng thế gian trong khung trời không có mây ám.

Bài kệ 23

Khí mạn vô dư kiêu                        棄  慢  無  餘 憍

Liên hoa thủy sanh tịnh                   蓮  華  水  生  淨

Học năng xả thử bỉ                          學  能  捨  此  彼

Tri thị thắng ư cố                            知  是  勝  於  故

Bỏ mặc cảm tự tôn và tất cả các mặc cảm khác, giống như hoa sen sinh ra trong sạch từ nước, người hành giả có thể buông bỏ bỉ và thử, biết rằng nếp sống này là cao đẹp nhất.

Bài kệ 24

Cát ái vô luyến mộ                         割  愛  無  戀  慕

Bất thọ như liên hoa                       不  受  如  蓮  華

Tỳ-kheo độ hà lưu                          比  丘  渡  河  流

Thắng dục minh ư cố                      勝  欲  明  於  故

Cắt đứt ân ái, không còn lưu luyến gì, như hoa sen không dính bùn, vị khất sĩ vượt qua dòng lũ, chiến thắng được ái dục và đạt tới minh triết.

Bài  kệ 25

Tiệt lưu tự thị                                截  流  自  恃

Thệ tâm khước dục                        逝  心  却  欲

Nhân bất cát dục                            仁  不  割  欲

Nhất ý do tẩu                                 一  意  猶  走

Hãy nỗ lực chận đứng dòng chảy, tự mình nương cậy vào mình, quyết tâm buông bỏ ái dục. Ái dục chưa dứt thì tâm ý vẫn còn rong ruổi.

Bài kệ 26

Vi chi vi chi                                     為  之  為  之

Tất cường tự chế                            必  強  自  制

Xả gia nhi giải                                 捨  家  而  懈

Ý do phục nhiễm                             意  猶  復  染

Tinh tiến lên đi! Phải gắng tự nhiếp phục mình, xuất gia mà giải đãi thì tâm ý vẫn còn trở lại tình trạng ô nhiễm.

Bài kệ 27

Hành giải hoãn giả                           行  懈  緩  者

Lao ý phất trừ                                 勞  意  弗  除

Phi tịnh phạm hạnh                          非  淨  梵  行

Yên trí đại bảo                                焉  致  大  寶

Người tu còn giải đãi, chưa có quyết tâm diệt trừ phiền não thì chưa phải là đang thực sự sống đời sống phạm hạnh thanh tịnh, như thế thì làm sao mong tới được kho tàng châu báu lớn?

Bài kệ 28

Sa môn hà hành                             沙  門  何  行

Như ý bất cấm                                如  意  不  禁

Bộ bộ trước niêm                            步  步  著  粘

Đãn tùy tư tẩu                                但  隨  思  走

Vị sa môn tại sao lại đi theo ý dục của mình mà không hành trì theo giới cấm? Bước chân nào cũng làm mình vướng mắc, tại sao lại cứ để cho tư dục kéo mình đi như thế?

Bài kệ 29

Ca sa phi kiên                                  袈  裟  披  肩

Vi ác bất tổn                                    為  惡  不  損

Ác ác hành giả                                惡  惡  行  者

Tư đọa ác đạo                                斯  墮  惡  道

Ca sa vắt vai, làm những điều phi pháp mà không dừng lại được, vị sa môn phải nhớ rằng kẻ làm điều phi pháp thế nào cũng phải sa đọa vào ác đạo.

Bài kệ 30

Bất điều nan giới                            不  調  難  誡

Như phong khô thọ                         如  風  枯  樹

Tác tự vi thân                                 作  自  為  身

Hạt bất tinh tấn                               曷  不  精  進

Không biết tự điều phục, mà còn khó răn khó dạy, thì cũng như ngọn gió thổi vào cây khô. Đã biết là mình làm thì mình chịu, vậy tại sao mình lại không lo tinh tấn tu tập?

Bài kệ 31

Tức tâm phi dịch                             息  心  非  剔

Mạn di vô giới                                 慢  訑  無  戒

Xả tham tư đạo                               捨  貪  思  道

Nãi ưng tức tâm                              乃  應  息  心

Phải học cách làm cho tâm ý dừng lại. Không cần phải cắt bỏ bất cứ cái gì. Tất cả những mặc cảm, những vướng mắc, những điều trái chống với giới pháp đều có thể được chuyển hóa khi mình biết buông bỏ đam mê để thực tập Thiền đạo. Như vậy mới đúng là làm cho tâm ý dừng lại.

Bài kệ 32

Tức tâm phi dịch                            息  心  非  剔

Phóng dật vô tín                             放  逸  無  信

Năng diệt chúng khổ                      能  滅  眾  苦

Vi thượng sa môn                           為  上  沙  門

Phải học cách làm cho tâm ý dừng lại. Không cần phải cắt bỏ bất cứ cái gì. Nếu buông bỏ được sự lười biếng và phát khởi được niềm tin thì mình sẽ có khả năng trừ diệt được mọi khổ nạn. Làm như thế mới thực sự là một vị xuất sĩ xuất sắc.