“Sơn hạ hữu tuyền, trạc chi tắc dũ” (Dưới chân núi có dòng suối, lấy nước ấy mà rửa thì sẽ lành bệnh). Nước suối này là nước từ bi, có công năng tiêu diệt tội chướng trong quá khứ để làm cho niềm vui sống có cơ hội trở về. Đó là nguyên ủy của một sám pháp do thầy Tri Huyền tức Quốc sư Ngộ Đạt đời Đường sáng tác, thường gọi là Thủy Sám, hoặc Từ Bi Sám, hay Từ Bi Tam Muội Thủy Sám Pháp. Ý niệm chính của Sám Pháp là nước từ bi. Từ bi cũng là phép quán. Đó là Từ quán và Bi quán đã được nhắc tới trong phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa. Để tâm chuyên chú vào Từ và vào Bi làm cho năng lượng của từ bi được chế tác và lớn mạnh, đó là phép quán, đó là niệm lực và định lực. Niệm lực và định lực ấy là tam muội. Cho nên gọi là Từ Bi Tam Muội Thủy Sám Pháp. Sự thực tập niệm định về từ bi làm lưu lộ ra dòng nước từ bi có khả năng tiêu trừ mọi tội chướng. Phép sám của Quốc sư Ngộ Đạt là phép sám sử dụng nước tam muội từ bi, gọi tắt là Thủy Sám.
Sám pháp ở đây không phải là Thủy Sám mà là Địa Sám. Địa là đất. Tiếp xúc với đất, nương tựa vào đất, tiếp nhận năng lượng vững chãi và sâu dày của đất để cho đất ôm lấy mình và giúp mình chuyển hóa vô minh, khổ đau và tuyệt vọng, đó là phương pháp Địa Sám. Ở đâu cũng có Đất, ở đâu ta cũng có thể tiếp xúc với Đất, ở đâu ta cũng lạy xuống để tiếp nhận năng lượng vững chãi và vô úy của Đất. Ta có thể nói: “Xứ xứ hữu địa, xúc chi tắc an” nghĩa là đâu đâu cũng có đất, tiếp xúc được với đất thì sẽ an lành.
Sám pháp này được gọi tắt là Địa Sám, nói cho đủ là Sám Pháp Địa Xúc hoặc Kiên Hậu Tam Muội Địa Xúc Sám Pháp. Kiên (vững chãi) và hậu (dày đặc) là hai đặc tính của đất. Bài tựa kinh Địa Tạng có câu ca ngợi Bồ tát Địa Tạng như sau: “Địa ngôn kiên hậu quảng hàm tàng” (địa có nghĩa là vững chãi, dày dặn và có tác dụng ôm ấp rất rộng lớn). Năng lượng của niệm và của định được chế tác trong khi tiếp xúc với Đất có khả năng thức tỉnh, chuyển hóa, thanh lọc, đem lại nguồn vui sống cho ta ngay trong khi thực tập sám hối, và cố nhiên là sau buổi thực tập.
Mỗi bài trong quyển Sám Pháp Địa Xúc giống như một buổi tâm tình với đức Thế Tôn. Ta có thể chọn một bài thích hợp với hoàn cảnh của ta mà thực tập. Trước khi thực tập Sám Pháp, ta có thể ngồi thiền hoặc đi thiền 30 phút để làm thân tâm lắng lại. Ta có thể một mình thực tập Sám Pháp Địa Xúc hoặc thực tập chung với nhiều người. Vị nào có giọng truyền cảm và có nhiều năng lượng niệm và định sẽ được chỉ định để đọc tụng, còn những vị khác lắng nghe. Trong khi nghe, chúng ta chắp tay trong tư thế đứng hoặc quỳ. Người được chỉ định đọc có thể đọc là “chúng con” thay vì “con”. Sau mỗi đoạn sám, mọi người thực tập lạy xuống khi nghe tiếng chuông. Mỗi lần lạy ta chỉ nên lạy hai hoặc ba lạy. Trong khi lạy, ta hoàn toàn phú thác thân mạng ta cho Đất, để đất có thể ôm lấy ta và giúp ta chuyển hóa những khổ đau và bế tắc trong ta. Nằm yên trong tư thế phủ phục ít nhất là trong thời gian ba hơi thở vào ra để có đủ thì giờ quán chiếu, khi nghe tiếng chuông nhấp của vị duy na, ta mới đứng lên để tiếp tục lạy hay thực tập đoạn kế tiếp. Nếu có nhu yếu thì ta đọc tụng lại phần kinh văn vừa đọc và lạy xuống một lần thứ hai. Thực tập như thế, hành giả sẽ thấy được rằng trong khi thực tập, niềm vui được sinh khởi, phiền não được chuyển hóa, và thân tâm càng lúc càng nhẹ nhàng.
Những bài sám nhắm đến những vấn đề thực tế của tứ chúng của các đạo tràng, đánh động đến ước muốn sâu sắc sống một cuộc đời tỉnh thức, bình an, hài hòa với chính mình và với những người xung quanh ta. Trong chúng ta, ai cũng mong muốn chữa lành những vết thương hằn sâu trong thân và tâm, cũng là để xây dựng một xã hội lành mạnh hơn. Có những bài sám chỉ dành cho những người xuất gia, lại có những bài sám khác dành riêng cho những người cư sĩ. Ban đầu, chúng ta có thể có cảm giác rằng một số bài sám không dính líu gì đến tình trạng của mình, tuy nhiên, nếu nhìn sâu, chúng ta sẽ tìm thấy sự liên quan của mỗi đoạn sám với chính chúng ta. Sau khi lạy, chúng ta có thể cùng nhau pháp đàm để chia sẻ những kinh nghiệm sâu sắc hoặc những hoa trái gặt hái được trong lúc thực tập. Các bạn hành giả ưa thích sám pháp này có thể thực tập ba tháng một lần, ít nhất là trong năm phải thực tập hai lần. Công phu sẽ được đền bù một cách xứng đáng, ngay trong thời gian thực tập.