Truyền Thông Với Tâm Từ Bi
Có thể có khi con cái không thể truyền thông được với cha mẹ. Tuy cùng ở chung một nhà mà con có cảm tưởng như là cha hay mẹ xa cách vạn dặm. Trong trường hợp đó cả hai bên, cha mẹ và con, đều khổ. Mỗi bên đều chỉ còn có hiểu lầm, ghét bỏ và xa cách. Cha mẹ và con cái không biết rằng họ cũng có rất nhiều điểm giống nhau. Họ không biết rằng họ đều có khả năng hiểu nhau, tha thứ và thương yêu nhau. Do đó, nhận diện những gì tích cực có sẵn trong mỗi chúng ta để cho sân hận và những hạt giống tiêu cực không thể chế ngự là một điều rất quan trọng.
Mặt Trời Vẫn Còn Đó Sau Đám Mây
Khi trời mưa, ta nghĩ rằng mặt trời không còn có đó. Nhưng nếu đi phi cơ, bay lên quá lớp mây ta lại thấy mặt trời rạng rỡ. Mặt trời luôn luôn còn đó. Khi giận hay tuyệt vọng tình thương yêu cũng vẫn còn đó. Khả năng truyền thông, tha thứ, thương yêu vẫn còn đó. Phải tin tưởng như vậy. Ta giàu có hơn là sân hận, ta giàu có hơn là đau khổ. Phải công nhận rằng trong ta còn có khả năng thương yêu, hiểu biết và từ bi. Biết được như vậy thì không còn buồn, không còn tuyệt vọng. Biết rằng tuy trời đang mưa, nhưng mặt trời vẫn còn đâu đó trên cao. Mưa sẽ tạnh và trời sẽ nắng. Hãy hy vọng. Nếu bạn còn nhớ được rằng những hạt giống tích cực vẫn còn đó trong bạn và trong người kia thì bạn còn có thể vượt thoát và những gì tốt đẹp nhất trong bạn và người kia sẽ lại phát hiện.
Thực tập là để thể hiện điều đó. Thực tập sẽ giúp ta tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, với Bụt, với những gì tốt đẹp trong ta để có thể chuyển đổi tình trạng. Bạn có thể gọi những gì tốt đẹp trong bạn bằng danh từ gì cũng được, danh từ mà bạn quen thuộc trong truyền thống tâm linh của bạn.
Trong chiều sâu tâm thức, phải biết rằng ta có khả năng sống hòa bình, an lạc. Hãy giữ vững lòng tin rằng năng lượng của Bụt có ở trong ta. Điều duy nhất phải làm là tìm đến sự giúp đỡ của nguồn năng lượng ấy, nhờ thực tập theo dõi hơi thở trong chánh niệm, thực tập đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm.
Thực Tập Lắng Nghe Sâu
Truyền thông là một thực tập. Muốn truyền thông thì phải khéo léo. Chỉ có thiện chí thôi thì không đủ. Phải học. Có thể là bạn không có khả năng lắng nghe. Có thể là người kia luôn luôn nói lời đắng cay, lên án, trách móc khiến bạn chán ngán, không thể nghe được nữa và chỉ muốn tránh mặt. Bạn tránh mặt người đó vì sợ. Bạn không muốn khổ. Nhưng làm như thế thì có thể gây hiểu lầm. Người kia có thể nghĩ rằng bạn có thái độ khinh mạn, muốn tẩy chay, không thèm để ý, và càng thêm đau khổ. Bạn không muốn gặp mặt người ấy nhưng đồng thời cũng không thể lánh mặt người ấy. Giải pháp duy nhất là thực tập để có thể thiết lập truyền thông trở lại. Con đường thực tập là lắng nghe sâu.
Chúng ta biết rằng có nhiều người đau khổ vì nghĩ rằng không ai hiểu họ hay hiểu hoàn cảnh của họ. Ai cũng bận rộn và hình như không ai có khả năng lắng nghe. Nhưng chúng ta ai cũng cần có một người có thể lắng nghe mình.
Hiện nay có những nhà tâm lý trị liệu chỉ có việc ngồi đó để nghe bệnh nhân thổ lộ tâm tình. Nhà tâm lý trị liệu biết lắng nghe sâu mới thật là một nhà tâm lý trị liệu giỏi. Một nhà tâm lý trị liệu giỏi có khả năng lắng nghe chăm chú, không kỳ thị, không phán xét.
Tôi không biết những nhà tâm lý trị liệu đã tu luyện như thế nào để có được khả năng lắng nghe sâu ấy. Nhà tâm lý trị liệu chắc cũng đầy đau khổ. Trong khi ngồi nghe bệnh nhân những hạt giống đau khổ trong họ cũng sẽ được tưới tẩm. Nếu một nhà tâm lý trị liệu bị đau khổ của chính mình tràn ngập thì làm sao họ có thể lắng nghe bệnh nhân một cách đàng hoàng? Muốn học làm một nhà tâm lý trị liệu thì phải học nghệ thuật lắng nghe sâu.
Lắng nghe với tâm từ bi là lắng nghe làm sao mà người kia cảm nhận được là bạn đang lắng nghe thật sự, đang cảm thông thật sự, bạn đang lắng nghe hết lòng với tâm từ bi. Nhưng mấy ai trong chúng ta mà có thể lắng nghe được như vậy? Chúng ta đồng ý theo nguyên tắc rằng chúng ta sẽ lắng nghe với quả tim, để có thể thật sự nghe người kia đang nói gì. Chúng ta đồng ý rằng là chúng ta phải cho người nghe cảm tưởng rằng họ đang được nghe và đang được hiểu. Làm được như vậy người kia mới có thể vơi bớt khổ đau. Nhưng, thật ra, trong chúng ta mấy ai mà có thể lắng nghe như vậy?
Lắng Nghe Để Làm Vơi Bớt Khổ Đau
Lắng nghe sâu, lắng nghe với tâm từ bi không phải là lắng nghe để phân tích hay để tìm biết chuyện gì đã xẩy ra. Ta lắng nghe trước hết là để cho người kia bớt khổ, để cho người kia có cơ hội bộc bạch tâm tư và cảm nhận rằng ít ra là có người đã hiểu mình. Lắng nghe sâu là lắng nghe mà có thể giúp ta thắp sáng tâm từ bi suốt thời gian người kia đang nói, thời gian này có thể là nửa giờ hay bốn mươi lăm phút. Trong khoảng thời gian đó ta chỉ có một ý muốn duy nhất là lắng nghe để cho người kia có cơ hội nói ra và bớt khổ. Đây là mục đích duy nhất. Phân tích, tìm hiểu những gì đã xẩy ra chỉ là kết quả thứ yếu, chỉ là phó sản (by product), của sự lắng nghe. Trước hết là phải lắng nghe với tâm từ bi.
Tâm Từ Bi Là Linh Dược Giải Độc Sân Hận
Nếu tâm từ bi được duy trì trong suốt thời gian lắng nghe thì sân hận, bực dọc không thể phát hiện. Nếu không thì những gì người ấy nói ra sẽ khiến cho bạn bực dọc, sân hận và khổ đau. Chỉ cần tâm từ bi thôi, bạn cũng đã được che chở để khỏi bị bực dọc, sân hận và khổ đau.
Vậy thì bạn muốn hành xử như một Bậc Đại Nhân trong khi lắng nghe vì bạn biết rằng người kia đang vô cùng đau khổ và đang cần bạn giang tay cứu độ. Nhưng bạn phải được trang bị để làm công việc đó.
Khi những người lính cứu hỏa đi chữa cháy họ phải có những dụng cụ thích hợp: thang leo, vòi xịt nước và áo chống hơi nóng. Họ phải biết cách tự phòng vệ và biết cách dập tắt lửa. Khi lắng nghe một người đang đau khổ thì bạn đang bước vào một vùng lửa cháy. Vùng lửa khổ đau, sân hận đang đốt cháy bên trong người mà bạn đang nghe. Nếu bạn không có đầy đủ dụng cụ thì bạn chẳng giúp được gì mà lại có thể là nạn nhân vì lửa giận của người kia. Vì vậy bạn cần phải có dụng cụ.
Dụng cụ của bạn là tâm từ bi được nuôi dưỡng và duy trì bằng hơi thở chánh niệm. Hơi thở chánh niệm chế tác năng lượng chánh niệm. Hơi thở chánh niệm giúp bạn giữ vững ước muốn căn bản là giúp người kia bộc lộ tâm tư. Khi người kia nói, có thể là lời nói của người ấy sẽ đầy chua cay, lên án, và phán xét. Lời nói của người ấy có thể sẽ chạm đến khổ đau của chính bạn. Nhưng nếu bạn giữ sáng tâm từ bi, nếu bạn thực tập hơi thở chánh niệm, bạn sẽ được bảo hộ. Bạn có thể ngồi nghe hàng giờ mà không đau khổ. Tâm từ bi sẽ nuôi dưỡng bạn, bạn biết rằng mình đang giúp cho người kia bớt khổ. Bạn hãy hành xử như một vị Bồ Tát. Bạn sẽ là một nhà tâm lý trị liệu tài ba hạng nhất.
Tâm từ bi phát xuất từ hạnh phúc và hiểu biết. Khi tâm từ bi và hiểu biết được thắp sáng thì bạn sẽ được an toàn. Những gì người ấy nói ra không thể làm cho bạn khổ và bạn có thể lắng nghe sâu sắc. Bạn lắng nghe thật sự. Khi bạn không có khả năng lắng nghe với tâm từ bi thì bạn không nên giả vờ đang lắng nghe. Người kia sẽ nhận ra ngay là bạn chỉ có đầy khái niệm về khổ đau nhưng bạn không thật sự hiểu họ. Khi có hiểu biết thì bạn có thể lắng nghe với tâm từ bi, bạn có thể lắng nghe sâu sắc, và phẩm chất của sự lắng nghe ấy là hoa trái của sự tu tập của bạn.
Nuôi Dưỡng Tự Thân
Tiếp xúc với đau khổ giúp nuôi dưỡng tâm từ bi và nhận diện hạnh phúc khi hạnh phúc có mặt. Nếu không tiếp xúc được với đau khổ thì không biết hạnh phúc đích thực là gì. Vậy thì sự thực tập của chúng ta là tiếp xúc với đau khổ. Nhưng khả năng của mỗi chúng ta có giới hạn. Chúng ta không thể làm quá sức mình.
Vì vậy cho nên phải biết tự chăm sóc. Nếu lắng nghe quá nhiều nỗi khổ, niềm đau, giận hờn, bực bội của người khác thì sẽ bị ảnh hưởng không tốt, vì ta chỉ tiếp xúc với khổ đau mà không có cơ hội tiếp xúc với những yếu tố tích cực. Như thế sẽ mất thăng bằng. Vậy thì trong cuộc sống hằng ngày ta phải thực tập như thế nào để có thể tiếp xúc với những gì tươi mát như trời xanh, mây trắng, chim hót, em bé, bất cứ gì có thể đem lại tươi mát, chữa trị và nuôi dưỡng ở trong ta và chung quanh ta.
Đôi khi ta bơ vơ lạc hướng trong đau khổ, lo âu. Hãy để cho bạn bè cứu giúp ta. Họ có thể nói, “Này bạn, mời bạn nhìn bầu trời sáng nay. Tuy sương mù nhưng cảnh đẹp biết bao! Thiên đường ở ngay đây. Sao không trở về với hiện tại để thưởng thức cảnh đẹp trước mắt?” Bạn có tăng thân bao quanh, có sư anh, sư chị, có những người có khả năng sống hạnh phúc bao quanh. Tăng thân cứu bạn, giúp bạn tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc đời. Đây là thực tập nuôi dưỡng, một thực tập rất quan trọng.
Chúng ta phải sống sâu sắc mỗi ngày trong vui vẻ, bình an, trong tình thương, bởi vì thời gian qua mau. Mỗi buổi sáng tôi thắp một nén hương, dâng lên Bụt và tự hứa rằng tôi sẽ sống sâu sắc từng giây, từng phút trong ngày. Chính nhờ thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm mà tôi có thể tận hưởng từng giây, từng phút trong cuộc sống hằng ngày. Hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm là hai người bạn giúp tôi an trú trong hiện tại, ngay bây giờ và ở đây, để có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm sẵn đó của cuộc đời.
Chúng ta cần tiếp nhận sự nuôi dưỡng tươi mát. Nghe chuông là một thực tập nuôi dưỡng và dễ chịu. Tại Làng Mai, mỗi khi có tiếng điện thoại, hay tiếng chuông chúng tôi có cơ hội dừng lại, ngưng làm việc, ngưng nói năng, ngưng suy nghĩ. Đây là những tiếng chuông chánh niệm. Khi nghe chuông ta thư giãn thân tâm và trở về với hơi thở. Chúng ta ý thức rằng mình đang còn sống và có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm sẵn có đó cho ta. Chúng ta dừng lại một cách tự nhiên, trong niềm vui, không quan trọng, không gò ép. Thở vào, thở ra ba lần trong niềm vui vì biết là ta đang còn sống. Khi dừng lại, ta phục hồi bình an trong ta và ta có tự do. Công việc ta đang làm trở nên vui thích hơn, bạn bè chung quanh ta trở nên có thật hơn.
Phép thực tập dừng lại và theo dõi hơi thở theo tiếng chuông là một ví dụ về phương pháp thực tập giúp ta tiếp xúc với gì tươi đẹp, nuôi dưỡng trong cuộc sống hằng ngày. Ta có thể thực tập một mình nhưng nếu có tăng thân thì sự thực tập sẽ dễ hơn. Tăng thân luôn luôn có đó. Mỗi khi ta bị chìm đắm trong đau khổ thì tăng thân có thể cứu ta và giúp ta trở về tiếp xúc với những yếu tố tích cực của cuộc đời.
Sự thực tập là biết rõ giới hạn của sức mình. Mặc dầu bạn là một giáo thọ có khả năng lắng nghe đau khổ của người khác nhưng bạn cũng phải tự biết giới hạn của sức mình. Bạn cần phải đi thiền hành, cần phải thưởng thức một tách trà. Bạn cần được gần gũi với những người có hạnh phúc để được nuôi dưỡng. Để lắng nghe được người khác đồng thời bạn phải tự chăm sóc. Một mặt mỗi ngày bạn cần được nuôi dưỡng bởi những gì lành mạnh, tươi mát. Một mặt bạn phải thực tập nuôi dưỡng tâm từ bi. Có thế bạn mới có đủ hành trang trong sứ mạng lắng nghe người khác. Bạn phải là một Bậc Đại Nhân, nghĩa là một người tràn đầy hạnh phúc cho nên có khả năng cứu độ chúng sanh đau khổ.
Bạn Là Con Của Bạn
Là cha, là mẹ chúng ta phải lắng nghe con cái. Điều này rất quan trọng bởi vì con ta chính là ta, là tiếp nối của ta. Quan trọng hơn hết là ta phải tái lập truyền thông với con cái ta. Khi đau tim hay đau bao tử ta không bao giờ cắt bỏ tim, bao tử đi. “Mày đâu phải là tim của ta, tim của ta đâu có vậy. Mày đâu phải là bao tử của ta, bao tử của ta đâu có vậy. Ta không muốn dính dáng chi tới mày.” Như vậy là không khôn ngoan. Có thể là bạn đã nói với con trai, con gái bạn những câu tương tự. Như vậy cũng là không khôn ngoan.
Nếu bạn là một bà mẹ thì khi thai nhi bắt đầu tượng hình trong bạn, bạn cảm nhận ngay là bạn và thai nhi là một. Bạn có thể bắt đầu nói chuyện với em bé trong bụng. “Nằm yên đi con, có mẹ đây.” Bạn nói với em bé với tất cả tình thương yêu. Bạn ý thức rằng bạn ăn gì, uống gì thì em bé cũng ăn, cũng uống những thứ đó. Lo âu, hạnh phúc của bạn cũng là lo âu, hạnh phúc của em bé. Bạn với em bé là một.
Nhưng khi sinh con ra, cuống nhau đã cắt lìa, thì ý thức về sự hợp nhất giữa mẹ và con bắt đầu phai nhạt. Khi con lên mười hai, mười ba có thể bạn đã quên đứt đi rằng con bạn là bạn Bạn nghĩ rằng con bạn là một thực thể riêng biệt. Rồi mẹ con có vấn đề với nhau. Khi có vấn đề với con bạn tin rằng con bạn là một người nào khác, là một thực thể riêng biệt. Bạn có thể nói với con: “Đi đi! Mày không phải là con tao. Con tao đâu có như mày!” Có vấn đề với con cái cũng như có vấn đề với tim, với bao tử. Nếu bạn không thể nói câu đó với quả tim, với bao tử thì lý nào bạn lại nói câu đó với con? Bụt dạy, “Không có một tự ngã riêng biệt.” Bạn và con trai bạn, bạn và con gái bạn chẳng qua chỉ là tiếp nối của bao thế hệ tổ tiên. Bạn và con bạn là những giọt nước trong cùng một dòng sông của sự sống. Tất cả hành vi của con bạn sẽ ảnh hưởng tới bạn – như khi chúng còn trong bụng. Bất cứ hành vi nào của bạn cũng sẽ ảnh hưởng tới các con bạn, bởi vì chúng không bao giờ tách lìa khỏi bạn. Hạnh phúc hay đau khổ của bạn là hạnh phúc hay đau khổ của các con bạn và ngược lại. Vì thế chúng ta phải dốc toàn lực vào việc tái lập truyền thông.
Bắt Đầu Một Cuộc Đối Thoại
Vì lầm lẫn và vô minh mà ta nghĩ rằng chỉ có ta là người đau khổ. Ta tin rằng các con ta không đau khổ. Nhưng sự thật là khi ta khổ thì các con ta cũng khổ. Ta có mặt trong mỗi tế bào của con trai, con gái của ta. Cũng thế, bất cứ cảm xúc nào, bất cứ nhận thức nào của con ta cũng là cảm xúc, nhận thức của ta. Vậy thì chúng ta phải nhớ lấy tuệ giác mà ta đã có từ đầu khi mang thai, đó là: con trai ta, con gái ta với ta là một. Hãy bắt đầu một cuộc đối thoại với con trai, con gái của bạn!
Trong quá khứ có thể là ta đã có nhiều sai lầm. Ta đã làm cho bao tử của ta đau bệnh. Cách ta ăn uống, những lo âu, phiền muộn của ta ảnh hưởng nặng nề bao tử, tim, ruột của ta. Ta chịu trách nhiệm với bao tử, tim, ruột của ta. Cũng thế, ta chịu trách nhiệm với con trai, con gái của ta. Bạn không thể chối bỏ trách nhiệm. Khôn ngoan hơn, bạn đến với con và nói: “Con ơi, ba biết rằng con đã khổ nhiều. Trong những năm qua ba cũng đã khổ. Khi con khổ thì ba cũng khổ. Ba đâu có vui được khi con khổ? Ba đã nhận ra rằng cả hai cha con ta đều khổ. Chúng ta phải làm gì bây giờ? Có thể là cha con ta hãy ngồi lại với nhau mà tìm ra một giải pháp. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau được không? Ba rất muốn tái lập lại truyền thông, nhưng một mình ba, ba không làm được gì, ba cần con giúp.”
Là cha, là mẹ, nếu bạn nói được những câu như thế với con cái thì tình thế sẽ thay đổi vì bạn đã sử dụng ngôn ngữ của thương yêu. Lời nói phát xuất từ thương yêu, hiểu biết và giác ngộ. Giác ngộ rằng bạn và con bạn là một, rằng hạnh phúc và an vui không phải là một vấn đề cá nhân. Điều đó liên hệ cho cả hai bên, cho bạn và con bạn. Vậy thì những lời nói của bạn phải được phát xuất từ tình thương yêu, từ sự hiểu biết rằng không thể có một tự ngã riêng biệt. Bạn có thể nói được như thế là vì bạn đã hiểu rõ bản tính chân thật của bạn và con bạn. Con gái bạn là như vậy vì bạn là như vậy, bạn và con bạn tương tức. Con trai bạn là như vậy vì bạn là như vậy, bạn và con bạn không thể tách rời.
Hãy thực tập nghệ thuật sống chánh niệm. Hãy thực tập như thế nào để có đủ khôn khéo mà tái lập truyền thông. “Con thân yêu ơi, Ba biết rằng con cũng là ba. Con là tiếp nối của ba và khi con khổ thì không thể nào ba sung sướng. Hai cha con ta hãy cùng nhau chỉnh đốn lại mọi sự. Con hãy giúp ba.” Người con cũng có thể nói những câu tương tự bởi vì nó đã biết rằng ba nó đang đau khổ thì nó cũng không thể nào có hạnh phúc. Nhờ thực tập chánh niệm mà người con có thể nắm được sự thật là không thể có một tự ngã riêng biệt và sẽ học cách tái lập truyền thông với ba mình. Có khi chính người con là người bắt đầu trước.
Vợ chồng cũng vậy. Vợ chồng đã cam kết sống với nhau như một. Đã từng thề nguyền là sẽ cùng nhau chia sẻ hạnh phúc cũng như đau khổ thì khi nói với người bạn đường rằng mình cần giúp sức để làm mới thì đó cũng chỉ là để tiếp tục lời thề năm xưa. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có khả năng nói như thế, nghe như thế.
Bức Thư Tình
Có một thiếu phụ người Pháp thường cất giữ những bức thư tình của chồng. Ông ta đã viết cho bà những bức thư rất đẹp trước khi hai người cưới nhau. Cứ mỗi lần nhận được thư là bà say mê đọc từng câu, từng chữ, từng dòng thư ngọt ngào, thương yêu. Bà rất quý những bức thư đó và cất giữ vào trong một cái hộp đựng bánh bích-qui. Một buổi sáng nọ, trong khi dọn dẹp ngăn tủ bà tìm thấy cái hộp bích-qui đựng những bức thư năm xưa. Đã lâu lắm bà không thấy cái hộp bích-qui đó. Cái hộp lưu giữ biết bao kỷ niệm đẹp của những ngày đầu, khi mà cả hai người còn trẻ, còn yêu nhau thắm thiết, khi mà cả hai đều nghĩ rằng nếu không có người kia thì chắc sống không nổi.
Nhưng mấy năm gần đây, cả hai vợ chồng đều rất đau khổ. Họ không còn thiết nhìn nhau. Họ không còn muốn nói chuyện với nhau. Họ không còn viết thư cho nhau. Trước ngày bà tìm thấy cái hộp bích-qui, chồng bà cho hay là ông ta sẽ đi xa vì công chuyện nghề nghiệp. Có lẽ là ông không vui thích gì khi ở nhà. Có thể là ông đi xa để tìm đâu đó một chút hạnh phúc, một ít niềm vui. Bà biết vậy. Khi chồng bà cho bà hay là ông phải đi họp ở NewYork bà trả lời “Nếu cần thì anh cứ đi.” Bà đã quen với cái lệ này rồi. Rồi sau hai ngày, thay về nhà như đã định, ông điện thoại về, “Anh cần ở lại thêm hai ngày nữa vì có việc cần.” Bà chấp nhận dễ dàng chuyện đó, vì dầu cho ông có ở nhà bà cũng chẳng hạnh phúc chi mấy.
Sau khi gác điện thoại bà đi dọn dẹp ngăn tủ và khám phá ra cái hộp. Đó là cái hộp đựng bánh “LU”, một loại bánh bích-qui nổi tiếng bên Pháp. Đã lâu lắm bà không mở hộp. Bà gác cái chổi qua một bên và mở nắp hộp. Một mùi thơm dịu quen thuộc tỏa ra. Bà rút ra một lá thư rồi đứng đó để đọc. Bức thư mới ngọt ngào làm sao, đầy hiểu biết và thương yêu. Bà cảm thấy mát mẻ như một mảnh đất khô cằn vừa được mưa tưới. Sau đó bà đem cái hộp vào bàn, ngồi xuống đọc hết tất cả các bức thư, cả thảy là ba mươi sáu hay ba mươi bảy bức. Hạt giống của hạnh phúc vẫn còn đó trong bà. Những hạt giống đó lâu nay đã bị vùi lấp trong đau khổ, nhưng vẫn còn đó. Cho nên khi đọc những bức thư đầy thương yêu của chồng viết khi còn trẻ, những hạt giống hạnh phúc chôn vùi trong sâu kín tâm thức bà đã được tưới tẩm.
Trong những năm gần đây, chồng bà đã không sử dụng ngôn ngữ ấy nữa. Nhưng bây giờ, đọc những bức thư, bà nghe như chồng bà đang nói những lời ngọt ngào của năm xưa. Ngày xưa hai người đã thật sự có hạnh phúc. Tại sao mà bây giờ hai người sống như trong địa ngục? Bà hầu như đã quên đi là chồng bà đã từng nói với bà những lời yêu thương như thế nhưng đó đã là sự thật. Ông ta đã từng có khả năng nói những lời như vậy.
Tưới Tẩm Những Hạt Giống Hạnh Phúc
Trong suốt hơn một giờ ngồi đọc thư bà đã tưới tẩm những hạt giống của hạnh phúc trong bà. Bà nhận ra rằng cả chồng bà và bà đều thiếu khéo léo. Cả hai đã tưới tẩm những hạt giống đau khổ của nhau và không có khả năng tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc. Sau khi đọc tất cả những lá thư bà quyết định ngồi xuống và viết cho chồng bà một bức thư để nói cho ông ta biết rằng ngày xưa, lúc mới quen nhau, bà đã hạnh phúc như thế nào. Bà viết rằng bà mong tìm lại được những hạnh phúc của ngày nào. Và bây giờ thì bà lại có thể viết cho ông câu “Anh yêu dấu!” với tất cả chân tình.
Bà đã để ra bốn mươi lăm phút để viết bức thư. Đây là một bức thư tình đích thực – gửi cho chàng thanh niên dễ thương đã viết cho bà những bức thư cất trong hộp bích-qui. Trong thời gian đọc thư và viết thư mất gần ba giờ đồng hồ, bà đang thực tập thiền quán mà không biết là mình đang thực tập thiền quán. Sau khi viết xong bức thư lòng bà cảm thấy rất nhẹ nhàng. Thư chưa được gửi đi, chồng bà chưa đọc nhưng bà cảm thấy khỏe hẳn ra. Những hạt giống hạnh phúc trong bà đã được khơi dậy và tưới tẩm trở lại. Bà lên lầu và đặt bức thư lên bàn ông. Sau đó, suốt ngày bà rất hạnh phúc. Bà hạnh phúc vì những bức thư đã tưới tẩm những hạt giống tích cực trong bà.
Trong khi đọc những bức thư và viết thư cho chồng, bà giác ngộ vài điều. Cả hai người đều đã vụng về. Cả hai không biết cách giữ gìn hạnh phúc mà đáng ra họ vẫn có quyền hưởng. Trong khi nói năng, trong khi hành xử họ đã tạo địa ngục cho nhau. Cả hai chấp nhận sống với nhau như một gia đình, như một cặp vợ chồng nhưng không có chút gì hạnh phúc. Hiểu như thế bà tin tưởng rằng nếu cả hai người cùng cố gắng tu tập thì hạnh phúc có thể phục hồi. Bà tràn đầy hy vọng và không còn đau khổ như những năm qua.
Người chồng về nhà, lên phòng và thấy bức thư trên bàn. Trong bức thư bà đã viết: “Em chịu trách nhiệm một phần về sự đau khổ của chúng ta, về tình trạng chúng ta không được hạnh phúc mà đáng ra chúng ta phải được hưởng. Chúng ta hãy làm mới lại, hãy tái lập truyền thông. Hãy thực hiện bình an, hòa điệu và hạnh phúc cho nhau.” Ông đọc bức thư rất kỹ và quán chiếu sâu sắc về những điều bà viết. Ông không ngờ rằng ông cũng đang thực tập thiền quán. Nhưng quả thật là ông đang thực tập như bà, bởi vì khi đọc thư của bà, những hạt giống hạnh phúc trong ông cũng được tưới tẩm. Ông ở trên phòng rất lâu. Ông quán chiếu và khám phá ra những tuệ giác như bà đã khám phá ngày hôm qua. Nhờ vậy hai vợ chồng đã có cơ hội làm mới và tái lập hạnh phúc.
Đời bây giờ, thiên hạ và những cặp tình nhân không viết thư cho nhau nữa. Họ chỉ nhắc điện thoại lên và nói, “Tối nay có rãnh không? Chúng ta đi chơi nhé!” Thế thôi! Còn đâu là những kỷ vật để cất giữ, nâng niu! Thật là tội nghiệp! Bạn phải tập viết thư tình trở lại đi! Viết cho những người thương của bạn. Người thương đây có thể là cha, là mẹ của bạn. Cũng có thể là con trai, con gái, là anh, là chị hay là bạn bè của bạn. Hãy dành thì giờ để viết xuống những ân tình yêu thương.
Phép Lạ Nho Nhỏ
Có nhiều cách để tái lập truyền thông. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi nói chuyện với con, thì sao bạn không thử thực tập hơi thở chánh niệm, bước chân chánh niệm một, hai ngày, rồi sau đó bạn ngồi xuống và viết cho con bạn một lá thư: “Con ơi, ba biết rằng con đang đau khổ. Ba là ba của con và ba biết rằng ba chịu một phần trách nhiệm bởi vì ba đã không biết cách trao truyền cho con những gì tốt đẹp nhất của ba. Ba biết rằng con không thể nói cho ba biết về những đau khổ của con. Ba muốn rằng tình trạng này được thay đổi. Ba muốn luôn luôn có đó để giúp con. Cha con ta hãy giúp nhau để cải thiện truyền thông giữa cha con ta.” Bạn phải học nói với ngôn ngữ như thế.
Tiếng nói thương yêu sẽ cứu chúng ta. Lắng nghe với tâm từ bi sẽ cứu chúng ta. Đó là một phép lạ mà ta có thể làm được, nhờ tu tập. Ta có khả năng làm chuyện đó. Ta có dư bình an, thương yêu và hiểu biết trong chiều sâu tâm thức. Phải cầu cứu đến khả năng đó của ta, cầu cứu Bụt tự thân. Với sự nâng đỡ của bạn bè và tăng thân chúng ta có thể bắt đầu làm mới và tái lập truyền thông.