Thực tập thiền lạy là tập trở về với đất Mẹ, trở về với gốc rễ tổ tiên tâm linh và huyết thống, để nhận ra rằng ta không bao giờ đơn độc một mình, mà ta luôn được nối liền với tổ tiên tâm linh và huyết thống của ta. Ta là sự tiếp nối của tổ tiên và cùng với tổ tiên ta đi về tương lai. Thực tập thiền lạy để buông bỏ ý niệm về một cái ngã riêng biệt, đồng thời tự nhắc nhở mình rằng mình chính là một phần của đất Mẹ, một phần của sự sống. Khi ta tập lạy năm vóc sát đất, ta thấy mình trở nên nhỏ bé, giản dị và hồn nhiên như một đứa trẻ. Khi lạy xuống tiếp xúc với đất, ta cũng thấy mình bỗng trở nên vĩ đại như một cây cổ thụ với những cái rễ đâm sâu trong lòng đất, và hút được nước từ tất cả các nguồn. Thiền lạy cũng là cơ hội giúp ta tiếp xúc và được nuôi dưỡng bởi sự vững chãi của đất, và nhờ đất chuyên chở chuyển hóa giùm ta những khổ đau ta đang có trong lòng như giận hờn, tham lam, sợ hãi, buồn tủi, bất mãn v.v… Ta chắp tay búp sen, và từ từ lạy xuống trong tư thế phủ phục, năm vóc sát đất (hai tay, hai chân, và trán). Hãy để cho năm vóc của ta được nghỉ ngơi thoải mái trên sàn nhà. Ta cũng có thể lạy theo kiểu người Tây Tạng, toàn thân nằm dài trên mặt đất. Khi lạy xuống, ta để hai bàn tay mình ngửa ra, để chứng tỏ ta không có gì để dấu diếm với Tam Bảo. Thực tập năm cái lạy một hai lần, ta sẽ không còn cảm thấy cô đơn, và lòng nhẹ đi rất nhiều khổ đau. Ta thấy có thể hòa giải được với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cháu và với bạn bè của ta.
Thiền lạy đưa ta đi rất xa, có thể cho ta tiếp xúc được với tự tính không sinh không tử và giúp ta vượt thắng sợ hãi và đạt tới cái vô úy tự tại của các vị bồ tát.
Khi lạy, năm vóc ta sát đất, hai bàn tay ta mở ra. Trong tư thế phủ phục đó, ta cảm thấy rất an ổn. Ta quán tưởng theo sự hướng dẫn của một vị duy na, hoặc nếu lạy một mình, ta tự quán tưởng lấy theo lời chỉ dẫn trong sách Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn hay Nhật Tụng Thiền Môn, hay băng CD.
Chỉ dẫn thực tập 3 lạy
Thực tập ba lạy góp phần xây dựng tăng thân và hoàn cảnh của ta, làm cho ta có hạnh phúc. Thực tập ba lạy này trong ba tháng ta sẽ thấy hoàn cảnh của ta – y báo của ta – thay đổi và hạnh phúc của chúng ta tăng tiến.
Ba lạy được biểu tượng bằng một chữ thập và vòng tròn.
Ta bắt đầu bằng con đường dọc rồi tiếp đến bằng con đường ngang và sau hết là vòng tròn. Khi lạy xuống cái lạy đầu tiên, ta quán chiếu về tổ tiên và con cháu. Khi lạy ta nên lạy mọp xuống, càng sát đất càng tốt. Hai chân và hai tay sát xuống đất, trán cũng dính vào đất. Trong tư thế ấy, ta bắt đầu buông thư tất cả các bắp thịt trong cơ thể. Ta phải buông bỏ hết những gì ta nghĩ là ta, là của ta, để có thể hòa nhập được vào dòng sanh mạng của tổ tiên, trong đó có ta. “Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt, các vị Bồ Tát, các vị thánh tăng. Có nhiều vị đã đạt tới mức toàn hảo về trí tuệ cũng như về thương yêu, nhưng cũng có các vị chưa đạt tới mức ấy, cũng còn những yếu kém, những khó khăn, những lên xuống.” Bên phía gia đình huyết thống cũng vậy. “Con có những vị tổ tiên rất cao, rất đẹp, nhưng cũng có những vị tổ tiên còn đau khổ, còn lên xuống. Nhìn vào con, con thấy con có những cái rất hay, rất tốt, nhưng con cũng còn có những yếu kém, nhu nhược, những lỗi lầm, những khuyết điểm. Con là ai mà không dám chấp nhận tổ tiên của con, vì vậy con chấp nhận tất cả quí vị là tổ tiên của con, và con hòa đồng với quí vị.” Lạy được như vậy, tự nhiên ta hòa giải được với tất cả tổ tiên của ta. Nếu ta giận thầy hay giận cha, giận mẹ, giận anh, giận chị thì cái lạy này là cái lạy để hòa giải với tất cả. Tất cả đều là tổ tiên của mình, trong đó có cha, có mẹ, chú, bác, cô, dì và có cả anh, cả chị nữa. Tất cả những người sanh ra trước mình đều là tổ tiên của mình. Đối với người xuất gia cũng vậy. Người thụ giới trước mình là anh mình hoặc là chị mình, dù người đó ít tuổi hơn. Dù người đó còn dở hơn mình về phương diện học hỏi cũng như về phương diện tu tập, thì người đó vẫn là anh của mình, vẫn là chị của mình, và mình chấp nhận người đó là anh, là chị của mình, chứ mình không nói: người đó giỏi gì hơn tôi mà lại làm anh tôi hay là làm chị tôi? Tổ tiên của ta cũng vậy. Tổ tiên của ta có những vị rất xuất sắc và cũng có những người còn yếu kém, nông nổi, nhưng tất cả đều là tổ tiên của ta và ta phải chấp nhận họ. Cha mẹ và anh chị của ta cũng vậy. Trong họ có những điều rất hay rất tốt nhưng trong họ cũng có những yếu kém. Ta biết rằng ta cũng vậy. Trong ta có những cái hay cái đẹp nhưng cũng có những yếu kém, vì vậy cho nên ta chấp nhận anh ta, ta chấp nhận chị ta. Ta không nói: “Người đó không xứng đáng làm anh tôi, người đó không xứng đáng làm chị tôi, tại vì người đó có hơn tôi gì đâu?” Tổ tiên là tổ tiên thôi. Giỏi hay dở đều là tổ tiên. Cha mẹ là cha mẹ thôi, dù giỏi hay dở cũng là cha mẹ. Trong truyền thống đạo Bụt, người xuất gia được coi là trưởng tử và trưởng nữ của Bụt, tại vì khi phát tâm xuất gia, họ bỏ gia đình, ra nhập vào tăng đoàn và đóng vai trò của người anh và người chị của giáo đoàn. Vì vậy, dù còn nhỏ tuổi, còn học dở, còn yếu kém về giới luật và uy nghi, họ vẫn là anh là chị của ta như thường. “Những người xuất gia đó, tuổi nhỏ hơn tôi, học Phật pháp chưa bằng tôi, tu cũng chưa đến đâu, tại sao họ lại ngồi trước, họ lại ngồi trên, họ làm anh làm chị tôi sao được. Nói như vậy là chưa hiểu được cái ý nghĩa thế nào là tổ tiên, thế nào là người xuất gia, là trưởng tử của Như Lai. Trưởng tử là con lớn. Dù có hư hèn, dù có khuyết giới, người đó cũng vẫn là anh của ta, là chị của ta, tại vì truyền thống là như thế. Họ là trưởng tử của Như Lai, ta có thể giỏi hơn họ, nhưng ta không thể nói rằng họ không phải là sư phụ của ta, sư thúc của ta, sư bá của ta, sư anh của ta, sư chị của ta. Họ là họ. Tại vì họ chưa có điều kiện, chưa có nhân duyên nên họ chưa giỏi đó thôi. Từ đó mà ta đi xuống các em ta, tới các con ta. Những người giận em, ganh với em, những người thấy em mình dở, em mình cứng đầu, em mình khó chịu, em mình hỗn; những người giận con, ghét con, muốn từ con, từ cháu, những người đó phải thực tập cho tinh chuyên cái lạy thứ nhất. “Lạy đức Thế Tôn, ở trong con có những điểm rất gần với sự toàn bích, nhưng bạch đức Thế Tôn, trong con cũng có những yếu kém, những lên xuống, những nội kết và khổ đau, vì vậy con có quyền gì mà không chấp nhận các em của con và các con của con khi các em, các con của con còn có những yếu kém, những lên xuống, cứng đầu và khổ đau. Con chấp nhận tất cả những người ấy là em của con, là con của con, là cháu của con.” Trong cái lạy thứ nhất ta phải làm cho được việc này, nghĩa là ta phải thực tập hòa giải được với những người trên ta và với những người dưới ta. Nếu cha mẹ mình đã sanh ra mình và chấp nhận mình là con, thì mình phải chấp nhận cha mẹ là cha mẹ, mình phải chấp nhận anh của mình là anh của mình, chị của mình là chị của mình, và em của mình là em của mình. Ta phải ôm lấy họ hết dù họ có hư hèn, dù họ có ương ngạnh, dù họ có khó khăn, dù họ có khổ đau, tại vì chánh trong ta cũng có những điểm tiêu cực đó. Mình là ai mà không chấp nhận cha mẹ mình, không chấp nhận anh chị của mình. Nếu thầy mình đã sanh ra mình, nếu thầy mình đã chấp nhận mình là học trò thì tại sao mình không chấp nhận người sư chị của mình là chị của mình, người sư anh của mình là anh của mình, người sư em của mình là em của mình. Dù người sư anh, sư chị hay sư em ấy còn có những yếu kém, còn có những lên xuống, còn có những trồi sụt, thì họ vẫn là sư anh của mình, sư chị của mình hay sư em của mình. Mình phải chấp nhận, mình phải hòa giải với người đó và chỉ có con đường ấy mới có thể giúp được những người kia. Cái lạy đầu tiên này ta phải lạy hàng ngày. Nhất là khi ta có vấn đề với cha mẹ, với thầy, với sư huynh, với sư đệ thì ta phải lạy cho thật hết lòng, phải phủ phục năm vóc sát đất.
Lạy thứ hai là cái lạy trong đó ta tiếp xúc với những con người và những chúng sanh có mặt cùng thời với ta, trong thời gian này, trong giờ phút hiện tại. Cũng như trong cái lạy đầu, ta phải mọp xuống sát đất, ta phải làm cho cái ngã của ta hòa nhập với dòng sanh mạng của thế giới trong giây phút hiện tại. Ta có thể hướng tới những vị Bồ Tát, những vị đại nhân đang có mặt trên thế giới, đang có mặt xung quanh ta trong giây phút hiện tại. Ta gọi họ là Bồ Tát hay không là Bồ Tát thì họ vẫn là các vị Bồ Tát. Họ mang danh hiệu Bồ Tát hay không mang danh hiệu Bồ Tát thì họ vẫn là Bồ Tát, tại vì trong họ có yếu tố của sự vững chãi, thảnh thơi và thương yêu. Họ ở khắp nơi. Có thể trong các tổ chức thiện nguyện như Médecins Sans Frontières hay Ecole Sans Frontières có những vị Bồ Tát như vậy. Có những tổ chức thiện nguyện đi làm việc khắp nơi trên thế giới; tình thương, sự vững chãi và sự thảnh thơi của họ đang được sử dụng để làm vơi bớt những khổ đau đang tràn ngập thế giới. Trong số những người đi làm việc cứu trợ, có người có chất liệu của sự vững chãi, thảnh thơi và an lạc, và vì vậy trong khi làm việc, họ không bị chìm đắm trong biển khổ. Nếu không có chất liệu của an lạc, thảnh thơi và vững chãi thì khi đi làm công việc xã hội, giúp đỡ người ta, mình sẽ bị chìm đắm luôn với người ta, mình sẽ giận hờn, mình sẽ thù hận. Nếu có những người không bị chìm đắm trong biển khổ là tại vì trong họ có những chất liệu vững chãi và thảnh thơi. Ngay ở quanh ta, chúng ta cũng đang có những vị Bồ Tát như vậy. Mở mắt ra là chúng ta có thể tiếp xúc với họ, chúng ta hòa nhập với họ : “Tôi với các vị là một, tôi đang nương vào các vị, và tôi đang được thừa hưởng chất liệu thảnh thơi, vững chãi và an lạc của quý vị.” Ta phải hòa nhập với họ nếu không thì ta sẽ yếu lắm. Ta phải dựa vào họ mà đừng cần đi tìm đâu xa tại vì họ có mặt ngay tại đây. Các vị đại nhân đó, các vị Bồ Tát đó không cần phải lớn tuổi, đôi khi họ còn rất nhỏ và ta có thể nhận thấy trong họ chất liệu của sự vững chãi, của sự thảnh thơi, của sự an bình và hạnh phúc mà ta rất cần đến. Trong cái lạy thứ hai này, ta hòa nhập với họ để tiếp nhận năng lượng đó của họ, ta biết rằng họ có mặt đó là may mắn cho ta lắm. Sau khi đã tiếp xúc với họ, ta lại tập tiếp xúc với những loài chúng sanh đang lặn ngụp chìm đắm trong biển khổ. Những người đang đau khổ vì chiến tranh ở Bosnia, những em bé đói ở Uganda, những người đang bị tù đày, những người đang khổ đau, những người đang bị áp bức bóc lột, những em bé lớn lên không được đi học phải đi lượm thức ăn từ những thùng rác… Tất cả những người đó đều là ta cả. Ta phải thấy ta là con ếch đang bơi thảnh thơi trong hồ thu, ta cũng thấy ta là con rắn nước trườn đi để tìm thức ăn và nuốt con ếch đó vào bụng. Con rắn nước cũng cần ăn, cần sống. Trong cuộc đời có những khổ đau như vậy, và tiếp xúc với những khổ đau đó, ta đau niềm đau của tất cả chúng sanh, ta thấy ta là một với họ, nhưng ta không đắm chìm trong biển khổ, tại vì ta đã có chỗ nương tựa, chỗ nương tựa của ta là các vị Bồ Tát, các bậc đại nhân. Những người có hạnh phúc, an lạc và thảnh thơi, ta không cần phải đi tìm ở đâu xa, họ có mặt ngay trong tăng thân. Những người đau khổ cũng vậy, ta không cần phải đi tìm đâu xa, họ nằm ngay ở trong tăng thân. Ta là họ, và khi ta nhận diện được họ rồi, con mắt ta đang nhìn họ đã chứng tỏ rằng ta đã thấy được cái đau khổ của họ. Ta thương xót họ, ta có lòng từ bi với họ và họ sẽ cảm nhận được ngay điều đó. Cái lạy thứ hai đem lại hạnh phúc cho ta ngay trong thời gian ta thực tập. Cái lạy thứ hai cho ta nhận diện được những người có chất liệu vững chãi, thảnh thơi và thương yêu, để chúng ta có thể nương vào họ và đồng nhất với họ. Cái lạy này cũng giúp ta nhận diện những kẻ đang đau khổ vì nhận thức sai lầm của họ, vì những nội kết trong quá khứ, vì những điều không may mắn đã xảy ra trong quá khứ của họ, để ta có thể ôm lấy được họ trong hai vòng tay, để có thể thông cảm và đồng nhất với họ. Ta hành xử với cái nhìn sâu sắc và thái độ từ bi. Chất liệu từ bi từ đâu mà có? Từ bi có được là do ta nhìn sâu và thấy rõ. Cái hiểu và cái thấy đưa tới cái thương. Trong cái lạy thứ hai này, ta nương tựa và hòa nhập với những người mạnh khỏe, an lạc, vững chãi và thảnh thơi nhưng ta cũng hòa đồng với những người có những khó khăn và đau khổ; và chánh cái thấy đó giúp ta phát khởi được tâm từ bi. Tâm từ bi một khi phát sanh sẽ được biểu hiện trên ánh mắt, trên bàn tay và bước chân của chúng ta. Và những cái đó bắt đầu giúp được người kia. Giúp được người kia nhưng đồng thời ta cũng giúp được chánh ta. Khi có chất liệu từ bi trong lòng, ta bắt đầu có hạnh phúc. Đối tượng của từ bi là người kia. Không biết người kia đã nhận được hạnh phúc nào từ từ bi ấy chưa, nhưng một khi giọt nước cam lộ của từ bi đã được ứa ra từ trái tim ta thì ta được hưởng trước. Người nào không có từ bi thì không có hạnh phúc, đó là điều mà ta đã học được trong đạo Bụt. Chất liệu từ bi càng lớn, hạnh phúc của ta càng lớn.
Lạy thứ ba bao trùm thời gian và không gian. “Lạy xuống, con buông bỏ ý niệm con chỉ là cái hình hài này.” Đây là sự thực tập mà thiền sư Tăng Hội gọi là “phóng khí xu mạng”. Thường thường ta nghĩ rằng chỉ có cái hình hài này là ta. Một số các phụ nữ ở Pháp vừa mới tổ chức biểu tình để đòi quyền phá thai, trong khi đó một số phụ nữ Pháp khác lại tổ chức một cuộc biểu tình chống lại cuộc biểu tình này. Các phụ nữ đòi quyền phá thai đưa ra lý luận như thế này: thân này là của tôi, tôi phải có chủ quyền trên thân tôi, tôi muốn làm gì thân tôi thì làm. Nhiều người nghe câu đó nghĩ là đúng. Nhưng trong tuệ giác nhà Phật thì cái đó không đúng: thân này không phải chỉ là của ta, thân này là của tổ tiên, của cha mẹ, của con cháu ta, của nhân loại, của vũ trụ. Ta cần phải quán chiếu. Sự an vui của thân này có liên hệ tới sự an vui của thân khác. Trong cái lạy thứ ba, ta thấy rằng ta không phải chỉ là hình hài này, đã được sanh ra ngày ấy, tháng ấy, năm ấy và sẽ không còn nữa từ ngày ấy, tháng ấy, năm ấy. Trong kinh, sự thật này được Bụt nhắc lại nhiều lần: thân này không phải là tôi. Trong cái lạy đầu, nếu thực tập đàng hoàng, ta đã thấy sự thật đó rồi: tổ tiên của con là con, cha mẹ của con là con, anh của con là con, chị của con là con, em của con là con, con của con là con. Tôi lớn hơn cái mà tôi tưởng là tôi. Trong cái lạy này, ta hòa nhập vào trong dòng sanh mạng, ta thấy cái mà ta gọi là ta vượt thoát giới hạn của hình hài này. Cái lạy thứ nhất đã chứa đựng cái lạy thứ ba rồi. “Con lạy xuống và buông bỏ ý niệm hình hài này là tất cả những gì mà con có”. “Hình hài này là con, con chỉ là hình hài này”, ta phải buông bỏ ý niệm đó. “Con lạy xuống và con thấy rằng sanh mạng của con không phải được giới hạn trong bảy hay tám chục năm. Con đã có mặt từ trước khi con sanh ra và con sẽ tiếp tục có mặt sau khi con chết đi. Thọ mạng của con là vô lượng. Thọ mạng của con không bị vướng vào thời gian.” Đó là cái lạy thứ ba, mà tuệ giác của cái lạy thứ ba chẳng qua là do cái lạy thứ nhất và thứ hai đưa tới thôi. Nghe như cái lạy thứ ba khó thực tập hơn hai cái lạy đầu, nhưng kỳ thực nếu ta đã thành công trong cái lạy thứ nhất và cái lạy thứ hai, thì cái lạy thứ ba đã bắt đầu thành công rồi.
Nếu có thể, ta nên thực tập ba cái lạy này mỗi ngày. Thực tập ba cái lạy cho sâu sắc, ta có thể thoát ly được sanh tử.